Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án thi và xét tốt nghiệp tại TP Hồ Chí Minh: Còn nhiều băn khoăn

Thanh Tàu| 29/09/2016 10:11

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định đề án

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP Hồ Chí Minh.


Gây khó?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Với dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2017, Quy chế Tuyển sinh ĐH và Cao đẳng (CĐ) 2016 thì bên cạnh hình thức xét tuyển bằng kết quả học trung học (thường được gọi là xét tuyển bằng học bạ) và một số hình thức tuyển sinh khác, đa số trường ĐH-CĐ vẫn tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển với rất nhiều tổ hợp môn khác nhau. Còn đề án thi và xét tốt nghiệp THPT của TP Hồ Chí Minh được triển khai năm nay sẽ khó khăn hơn cho các em học sinh TP Hồ Chí Minh trong việc đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ khi kết quả thi trung học chỉ có 3 môn văn, toán và ngoại ngữ".

Theo Tiến sĩ (TS) Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, có thể mục đích của Sở GD-ĐT thành phố là giảm áp lực thi cử, giảm thời gian và chủ yếu đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ thi 3 môn tức chỉ được 1 tổ hợp xét tuyển, đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ của các em học sinh. Trường ĐH Nông Lâm thời gian qua dành 100% chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi chung của 4 tổ hợp: A, A1, B, D1. Tỷ lệ và số lượng thí sinh TP Hồ Chí Minh trở thành sinh viên của trường luôn đứng đầu cả nước. Nếu học sinh TP Hồ Chí Minh chỉ thi 3 môn thì sẽ rất khó cho việc sử dụng kết quả kỳ thi này. Nhiều trường ĐH khác cũng thế, cơ hội của các em xét tuyển vào ĐH sẽ giảm.

Còn TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh phân tích, đề án của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh vừa được công bố có phần bị vênh so với dự thảo phương án thi của Bộ GD-ĐT. Kỳ thi của Bộ là 2 trong 1 với mục đích vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH-CĐ nên có lợi hơn cho học sinh TP Hồ Chí Minh. Nếu theo đề án của TP Hồ Chí Minh thì học sinh phải vừa thi kỳ thi của thành phố, vừa phải thi kỳ thi của Bộ GD-ĐT hoặc của trường ĐH mới có thể tham gia xét tuyển vào ĐH được.

Cần có lộ trình


Theo Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh, đề án của TP Hồ Chí Minh được lập theo nhu cầu tăng cường phân cấp cho thành phố thực hiện tổ chức thi và xét tốt nghiệp dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT; đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Về lý thuyết, đề án này sẽ giảm được áp lực cho các em học sinh đối với kỳ thi THPT, khi việc thi và xét tốt nghiệp trung học hoàn toàn độc lập với việc xét tuyển vào ĐH-CĐ. Khi đó, các Sở GD-ĐT hoàn toàn chịu trách nhiệm và chủ động trong hình thức xét tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ sẽ có các hình thức phù hợp với nhu cầu của các trường như thi đánh giá năng lực theo nhóm ngành đào tạo, xét tuyển bằng học bạ... Tuy nhiên, tất cả cần có lộ trình cụ thể và thông báo trước ít nhất 3 năm để các em học sinh, các trường ĐH-CĐ có sự chuẩn bị thích hợp.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng đề án của TP Hồ Chí Minh trái ngược với định hướng chung của Bộ GD-ĐT hiện nay. Việc giao tự chủ cho các địa phương trong việc xét tốt nghiệp phổ thông là nên làm nhưng cần có lộ trình và phải tạo được sự ổn định cho người học. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề án thi và xét tốt nghiệp tại TP Hồ Chí Minh: Còn nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.