Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án dạy học ngoại ngữ 2008 - 2020 không thể đạt mục tiêu

Mai Chi| 16/11/2016 09:51

(HNMO) – Chất lượng đào tạo ngoại ngữ là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay, 16/11.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt vấn đề: Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 với mục tiêu ban đầu là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, làm việc trong môi trường hội nhập đa phương hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh, với tổng kinh phí gần 9.400 tỉ đồng. Tới năm 2015, đề án đã được chi 5.000 tỉ đồng, nhưng tới nay, sau gần 8 năm thực hiện, nhiều mục tiêu chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn trả lời: Không thể đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2020 vì những lý do sau:

Thứ nhất, dạy và học ngoại ngữ là nhiệm vụ rất lớn, có tính chất lâu dài, liên quan tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Thứ hai, để các đối tượng được đào tạo có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ như yêu cầu của đề án, cần chi phí lớn và thời gian dài. Bộ đã đưa ra lộ trình với quyết tâm cao nhưng gặp nhiều vấn đề trong quá trình triển khai. Bộ và bản thân Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm là khi xây dựng đề án cần phải thiết thực, khả thi, bám sát vào các yếu tố để thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Gần đây, Bộ đã cho rà soát đề án để điều chỉnh, trước hết về cách tiếp cận, sau đó mới tới mục tiêu. Đây không phải là đề án đào tạo ngoại ngữ cho toàn bộ các nhóm đối tượng, mà tập trung vào những vấn đề mà từng tổ chức, đối tượng, cá nhân đang gặp khó khăn, mang tính định hướng, dẫn dắt. 

Cụ thể, nội dung giảng dạy cần được biên tập, biên soạn hướng tới hội nhập quốc tế, tránh biên soạn theo năng lực của giáo viên; tập trung vào đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục; hướng tới những phương thức tổ chức giảng dạy để nhiều người được hưởng lợi, với mục tiêu biến ngoại ngữ trở thành một công cụ để sử dụng suốt đời chứ không thiên về bằng cấp; đặc biệt nhấn mạnh tới xã hội hóa - tâm điểm và động lực của công cuộc đào tạo ngoại ngữ.

"Các nước như Singapore, Malaysia cũng mất tới 38 năm để phổ cập ngoại ngữ" - Bộ trưởng cho biết.

Đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận: "Tất cả ngoại ngữ đều hay, nhưng tính cần thiết thì khác nhau và phải có trình tự ưu tiên khác nhau. Theo tôi, tất cả mọi người phải học tiếng Anh, sau đó cần gì thì học thêm các ngoại ngữ khác (trừ các trường chuyên về đào tạo ngoại ngữ), không nên lãng phí thời gian".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án dạy học ngoại ngữ 2008 - 2020 không thể đạt mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.