Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy và học tiếng Anh theo hướng thực chất, hiệu quả

Thanh Tàu| 25/10/2019 08:21

(HNM) - Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước. Điều này một lần nữa minh chứng về chủ trương đúng đắn, kịp thời trong đổi mới dạy và học tiếng Anh theo hướng thực chất, hiệu quả.

Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy, 3 năm qua (2017, 2018 và 2019) thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có phổ điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cao nhất cả nước. Để có được thành tích này, 20 năm qua, Sở GD-ĐT thành phố đã liên tục thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, với sự cho phép của Bộ GD-ĐT. Theo đó, học sinh được học tiếng Anh trong trường công lập ngay từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. 

Theo số liệu từ ngành Giáo dục thành phố, thành phố Hồ Chí Minh đã có 94,5% số học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học. Không những thế, các em còn được lựa chọn một trong nhiều chương trình học khác nhau như chương trình tiếng Anh tăng cường, chương trình tiếng Anh đề án, chương trình giảng dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh (còn gọi là tiếng Anh tích hợp)... Học sinh thành phố còn được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ và những phần mềm hỗ trợ học ngôn ngữ. Chị Hoàng Ánh Tuyết, ở quận 4 cho biết, con gái chị năm nay học lớp 4, nhưng cháu đã có thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài. Gia đình rất hài lòng về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường tiểu học.

Ngoài việc được học tiếng Anh trong trường học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, chất lượng tiếng Anh của học sinh thành phố Hồ Chí Minh tốt lên còn nhờ các trung tâm ngoại ngữ. Hiện toàn thành phố có khoảng 700 trung tâm ngoại ngữ có kiểm định chất lượng, thu hút rất đông người theo học. 

Chất lượng dạy và học tiếng Anh hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh còn do các giáo viên ngoại ngữ trong trường phổ thông rất chủ động trong việc tự nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng việc dạy học. Cô Bùi Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà cho hay, mỗi giáo viên tiếng Anh của trường luôn chủ động tăng cường kiến thức, áp dụng phương pháp dạy học mới, chịu khó mày mò tìm kiếm các chương trình hay từ nước ngoài để học sinh tham khảo.

Để học sinh hứng thú hơn với môn học, thầy Huỳnh Quốc Hùng, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Minh Đức (quận 1) cho biết, hoạt động dạy học trong môn tiếng Anh cũng luôn được làm mới bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh vừa học vừa chơi; tổ chức sân chơi miễn phí như: Câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ âm nhạc tiếng Anh, câu lạc bộ giao tiếp…

Để tiếp tục phát huy chất lượng dạy học tiếng Anh tốt trong thời gian tới, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cái khó nhất của ngành Giáo dục thành phố chính là thiếu giáo viên tiếng Anh cũng như cơ chế để "giữ chân" giáo viên giỏi. Sở GD-ĐT đã đề xuất UBND thành phố và Bộ GD-ĐT cho phép "thu đủ bù chi" để trả lương cho giáo viên ngoại ngữ. Trước mắt, thành phố cho phép dùng ngân sách để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế. Tính đến tháng 10-2019, đã có 70% số giáo viên ngoại ngữ thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy và học tiếng Anh theo hướng thực chất, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.