Giáo dục

Dạy và học chương trình mới: Gỡ khó để bảo đảm chất lượng

Thống Nhất 24/08/2023 - 06:42

Năm học 2023-2024 là năm học thứ tư triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cũng như nhiều địa phương, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Song, được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, quyết tâm tổ chức dạy, học theo chương trình, sách giáo khoa mới bảo đảm chất lượng.

giao-vien.jpg
Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) trao đổi phương pháp giảng dạy sách giáo khoa mới. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhận diện thách thức

Thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các trường học trên cả nước sẽ khai giảng vào ngày 5-9 và chính thức giảng dạy từ ngày 6-9.

Thời điểm này, các phòng giáo dục và đào tạo, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sẵn sàng cho năm học mới, trong đó chú trọng các điều kiện giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới. Đây là năm học toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11, trong đó có 3 khối lớp triển khai năm đầu tiên là lớp 4, 8 và 11.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa mới đối với lớp 11 được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn sách cho từng môn học với mong muốn chọn được cuốn sách phù hợp nhất với học sinh và điều kiện thực tế về cơ sở vật chất của trường.

Khó khăn chung của các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học và công nghệ (ở tiểu học), khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý (cấp trung học cơ sở), nghệ thuật (cấp trung học phổ thông). Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm học 2022-2023, các trường học ở thành phố Hà Nội thiếu khoảng 10.000 giáo viên.

Đáng chú ý, dù đã bước sang năm thứ tư, song việc tổ chức dạy học các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở (môn vật lý, hóa học, sinh học tích hợp thành môn khoa học tự nhiên; môn lịch sử, địa lý tích hợp thành môn lịch sử và địa lý) vẫn là một “điểm nghẽn”. Lý do, các giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, dù đã được tập huấn nhưng chưa thực sự tự tin và yên tâm khi dạy tích hợp.

Tích cực vào cuộc tháo gỡ

Nhận thức rõ về trách nhiệm trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng trường học thuộc ngành Giáo dục Hà Nội đều nỗ lực, chủ động tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn với mục tiêu hạn chế sự ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn cho biết, để việc dạy, học sách giáo khoa mới năm đầu tiên đối với lớp 4 bảo đảm chất lượng, ban giám hiệu nhà trường đang giao cho mỗi giáo viên xây dựng và thực hành 2 tiết dạy mẫu để ban giám hiệu và các tổ nhóm chuyên môn dự giờ, sau đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện từng tiết dạy trước khi nhân rộng. Trong quá trình triển khai, giáo viên liên tục cập nhật để điều chỉnh về nội dung, phương pháp, hình thức cho phù hợp và hiệu quả. Ngoài các cuốn sách do nhà trường lựa chọn đưa vào giảng dạy trong năm học mới, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên tham khảo sách của các nhà xuất bản khác trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để có thêm tư liệu cho bài giảng.

Giải bài toán thiếu giáo viên, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai mô hình “Ngân hàng giáo viên”. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Lê Thị Thu Hằng cho biết, “Ngân hàng giáo viên” tập hợp các giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm để các trường “dùng chung”. Với mô hình này, giáo viên tiếng Anh của trường A có thể dạy tiếng Anh cho 2, 3 trường khác. Phòng Giáo dục và Đào tạo sắp xếp thời khóa biểu, trả lương cho giáo viên để bảo đảm chất lượng giảng dạy và không gây quá tải với giáo viên... Khá nhiều trường học ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy... cũng đã triển khai mô hình trên.

Liên quan đến vấn đề nhân lực, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, để chuẩn bị nguồn giáo viên cho năm học 2023-2024, Sở vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc (chủ yếu là các trường trung học phổ thông). Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng đang tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đồng thời triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Ước tính, sẽ có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có của các nhà trường.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong việc giảng dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc phương án điều chỉnh việc dạy học, đáp ứng mục tiêu của chương trình mới. Theo nhận định của Bộ, dù đã được tập huấn, việc dạy môn tích hợp vẫn là thách thức lớn với hầu hết giáo viên trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy và học chương trình mới: Gỡ khó để bảo đảm chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.