Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy trò nói dối?

Người Xây Dựng| 30/03/2012 06:19

(HNM) - Bé My, con gái chị Hà đang là học sinh lớp 5 một trường tiểu học "điểm" của Hà Nội. Vừa ở trường về, bé My đã chìa cuốn vở nháp nhỏ xíu ra, bảo mẹ:

- Tối nay mẹ giúp con học thuộc mấy câu này nhé! Con thấy khó khó…

Cầm cuốn sổ con đưa, chị Hà đọc lướt mấy gạch đầu dòng ghi ngay ngắn: Em muốn đến Nam Cực như chị Hồng; em rất hâm mộ nhà toán học Ngô Bảo Châu; đất nước Việt Nam đang đổi mới và phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội - giáo dục. Em rất tự hào vì được sống trên đất nước Việt Nam đang phát triển từng ngày...

Ngạc nhiên, chị Hà hỏi:

- Con vừa thi toán và tiếng Việt giữa kỳ xong, sao cô giáo lại dặn học thuộc những câu này?

Nghe mẹ hỏi, bé My giải thích:

- Hôm nay cô giáo con thông báo, hai ngày nữa sẽ có các thầy, cô giáo ở Phòng Giáo dục quận về dự giờ môn học đạo đức. Cô con bảo, hôm trước cô đi dự giờ ở một trường bên quận Đống Đa, thấy các bạn phát biểu những câu rất hay, nên cô ghi vào sổ. Cô bắt cả lớp chép ra nháp rồi dặn về nhà học thuộc lòng để mai cô kiểm tra trước, bạn nào không thuộc cô sẽ phạt...

- Thế ngoài việc học thuộc lòng, cô giáo còn dặn gì nữa không?

- Dạ có ạ. Cô dặn mấy bạn đến tiết đạo đức thì phải giơ tay để cô gọi lên bảng. Cô còn dặn riêng bạn Hải và bạn Nhi khi cô gọi lên bảng phải cố tình trả lời sai đáp án, như thế tiết học mới sinh động…

Nghe con nói, chị Hà giật mình. Gọi điện thoại cho NXD, chị Hà than thở: Thời gian qua, báo, đài đã có nhiều bài viết lên án bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này, nhưng xem ra căn bệnh thành tích đã thành mạn tính. Môn đạo đức được xem là môn học góp phần rèn luyện phẩm chất, tư cách của mỗi học sinh. Dạy đạo đức theo kiểu dựng "kịch bản", rồi bắt trò làm theo như thế, khác nào dạy học sinh… nói dối!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy trò nói dối?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.