Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầy tiềm năng và khó trăm bề

Xuân Lộc| 09/09/2011 07:07

(HNM) - Nhu cầu tham quan, khám phá các điểm đến không của riêng ai, kể cả những người khuyết tật, kém may mắn khi không có được cơ thể khỏe mạnh như những người bình thường.

Người khiếm thị tham gia trò chơi trong tour du lịch dành cho người khuyết tật tại Vũng Tàu.


Từ việc thiếu hướng dẫn viên chuyên biệt...

Người khuyết tật hiện chiếm 10% dân số trên thế giới. Chính vì vậy, chiến lược khuyến khích và thu hút người khuyết tật hội nhập với cộng đồng, tạo điều kiện để họ vừa có thể đóng góp cho xã hội, vừa có thể nâng cao chất lượng cuộc sống trở thành mục tiêu của các quốc gia trên thế giới. Ngay tại một số nước Đông Nam Á như Philippines, Singapore... đang bước đầu triển khai những chùm tour giá rẻ dành cho người khuyết tật, thì ở nước ta việc nghiên cứu những sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của đối tượng khách "đặc biệt" này vẫn còn khá mới mẻ.

Hiện chỉ có một vài hãng lữ hành đứng ra tổ chức tour cho người khuyết tật như: Saigontourist, Vietravel, Lửa Việt, Hòa Bình... nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tour cho đối tượng khách "đặc biệt" này, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Vietravel cho biết, hằng năm, công ty cũng tổ chức tour cho người khuyết tật nhưng không thường xuyên mà chỉ triển khai khi nhận được đơn đặt hàng từ các trường khuyết tật. Khác với những chương trình du lịch thông thường, tour dành cho đối tượng này đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn.

Đầu tiên là yêu cầu về hướng dẫn viên (HDV) không chỉ đáp ứng đầy đủ trình độ nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải là những người có sức khỏe, kiên trì, tận tâm và ứng xử khéo léo. Mặt khác, nếu khách hàng là những người khiếm thính thì HDV còn phải học ngôn ngữ cơ thể để chủ động giao tiếp với họ. Không chỉ có vậy, các phương tiện vận chuyển, phục vụ người khuyết tật phải thông thoáng, rộng rãi, có chỗ lên xuống cho những người di chuyển bằng xe lăn... "Khó khăn lớn nhất vẫn là việc đào tạo những HDV chuyên biệt, hết mình vì công việc. Chính vì vậy, mỗi khi tổ chức các tour dành cho người khuyết tật, các hãng lữ hành đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của những HDV nghiệp dư là những thầy, cô giáo ở trường trẻ em khuyết tật" - ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

Nhiều nguyên nhân khiến các đơn vị lữ hành ngại đầu tư, bỏ công nghiên cứu các sản phẩm tour phù hợp cho từng đối tượng khuyết tật, cũng như đào tạo một lực lượng HDV chuyên nghiệp phục vụ đối tượng này. Theo như lý giải của chị Phạm Thị Ngọc, đại diện Công ty Du lịch Hanoi Redtours, đa phần các đơn vị lữ hành ngại vào cuộc do thiếu nhân sự, hướng dẫn và săn sóc viên phải huy động nhiều hơn so với những tour cho khách thường. Bởi một đoàn khách thông thường chỉ cần một HDV thì đoàn khách gồm nhiều đối tượng với các mức thương tật khác nhau sẽ cần đến cả một đội ngũ HDV. Trong đó, HDV này chịu trách nhiệm chăm sóc những người khiếm khuyết về thân thể, HDV kia lại phải biết giao tiếp với những người khiếm khuyết về thính giác... Phục vụ người bình thường đã khó, phục vụ người khuyết tật còn đòi hỏi yêu cầu cao hơn nhiều. "Những tour phục vụ người khuyết tật hiện chủ yếu vì mục đích phúc lợi xã hội chứ không có đơn vị lữ hành nào mạnh dạn thiết kế tour dành cho đối tượng khách "đặc biệt" này với mục đích kinh doanh", chị Phạm Thị Ngọc cho biết.

Đến cơ sở hạ tầng hạn chế

Để thu hút lượng khách đầy tiềm năng này từ các thị trường trên thế giới, đồng thời mở rộng cơ hội giúp họ có thể tham gia những chuyến hành trình thú vị khám phá mọi miền đất nước, từ năm 2001, Tổng cục Du lịch đã có quy định, khách sạn từ 4 đến 5 sao phải có phòng, thang máy và thiết bị phù hợp với người khuyết tật. Thế nhưng, đến nay, các cơ sở hạ tầng du lịch chưa chú trọng đến việc phục vụ riêng cho đối tượng này.

Nhiều đơn vị lữ hành cho rằng, rào cản cho sự phát triển các sản phẩm du lịch cho người khuyết tật tại nước ta chính là điều kiện phục vụ dành riêng cho họ tại nơi công cộng còn hạn chế. Hiện hệ thống đường sá vẫn còn nhiều chỗ chênh lệch lớn về độ cao, các xe buýt, xe taxi chưa có thang nâng giúp người sử dụng xe lăn lên, xuống dễ dàng. Tại các khu du lịch, phần lớn vẫn là bậc tam cấp mà chưa có đường dốc thoải. Thậm chí, rất ít khách sạn cao cấp có lối đi riêng cho người khuyết tật, bàn ghế và các dịch vụ đặc thù cho du khách "đặc biệt" cũng chưa nhiều. Người sử dụng xe lăn không thể với tới công tắc đèn hay chỗ treo khăn tắm, còn người khiếm thị lại bị cản trở vì hệ thống thang máy chưa có chữ nổi. Mặt khác, ở nhiều điểm tham quan hay các khách sạn chưa có các công trình phụ dành riêng cho người khuyết tật.

Với con số ước tính toàn cầu có hơn 1 tỷ người khuyết tật mà Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra cho thấy, đây là một thị trường khách du lịch đầy tiềm năng. Đã đến lúc ngành du lịch nước ta cần có những chính sách quan tâm đến phục vụ nhu cầu du lịch của khách khuyết tật trong nước cũng như quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầy tiềm năng và khó trăm bề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.