Cách đây tròn 65 năm, vào mùa xuân Tân Tỵ (1941), một sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra bước ngoặt cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Đó là sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài Bác Hồ đã trở về Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đấu tranh đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, mở ra trang sử mới cho dân tộc ta vào mùa thu tháng Tám 1945.
Một góc khu du lịch Pắc Bó (Cao Bằng), nơi cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng TW Đảng lãnh đạo CM VN giành độc lập Ảnh: Trung Dũng
Chọn Pắc Bó (Cao Bằng) làm “đại bản doanh” trong buổi đầu về nước hoạt động, Bác Hồ đã nhìn thấy nơi đây có đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để xây dựng thành một trung tâm cách mạng của cả nước “nơi đi đầu trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc” từ đó mở rộng ra toàn quốc.
Trở về Pắc Bó (Cao Bằng) những ngày đầu, Bác Hồ cải trang thành một ông già người Nùng đến ở nhà ông Máy Ly - một gia đình người dân tộc là cơ sở của cách mạng. Ngày 8-2-1941, Bác Hồ cùng với một số cán bộ cách mạng chuyển lên ở và làm việc tại một hang đá, thuộc khu vực đầu nguồn của con suối. Từ đó, cái tên Pắc Bó, cùng ngọn núi Các Mác, dòng suối Lê-nin do Bác Hồ đặt tên đã gắn liền với tên tuổi của người trong những năm, tháng trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng và đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
“Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Ở Pắc Bó, Bác Hồ đã từng sống những năm tháng khó khăn, gian khổ “cháo bẹ, rau măng” nhưng tràn đầy niềm tin và lạc quan cách mạng. Cũng chính trong thời gian ở Cao Bằng, Bác Hồ đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình thí điểm Việt Minh, tổ chức các Hội cứu quốc ở các châu, huyện như Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình... Sau đó lan ra nhiều nơi khác trong tỉnh và cả nước.
Tại đây, một sự kiện lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam là Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) do Bác Hồ chủ trì đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân, tiến hành đấu tranh theo ngọn cờ của Đảng đi tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - mở ra thời kỳ mới của nước ta,chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của chế độ thuộc địa nửa phong kiến.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như khihòa bình lập lại ở miền Bắc, trở về sống, làm việc ở Thủ đô Hà Nội, nhưng hình ảnh của quê hương cách mạng Pắc Bó (Cao Bằng) tình cảm, lòng yêu nước của đồng bào nơi đây luôn gắn bó với Bác Hồ kính yêu.
Mùa xuân năm 1961, trở lại thăm Pắc Bó chứng kiến bao đổi thay của vùng đất cách mạng, được gặp lại những đồng bào đồng chí đã đùm bọc, chở che cách mạng, Bác Hồ rất phấn khởi, xúc động, Người đã đọc bài thơ:
Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh giặc Tây
Lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến
Non sông gấm vóc có ngày nay
Thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Pắc Bó ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Nhưng đến nơi đây, thăm lại vùng đất lịch sử một thời Bác Hồ đã sống và hoạt động cách mạng, chúng ta vẫn còn được nghe đồng bào các dân tộc luôn kể về hình ảnh ông Ké áo chàm rất gần gũi, sống gắn bó với đồng bào như người thân trong gia đình. Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Người đã cùng với Đảng ta lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, đưa tới độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và cả mùa xuân cho đất nước.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.