(HNMO) - Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 5-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều. Về chính sách nhà ở xã hội, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới. Đó là sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội…
Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội, trong đó yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương.
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2. Trong đó, có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
“Mặc dù việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên với kết quả hoàn thành 7.790.000 m2 sàn nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020, trong khi nhu cầu của đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, trong đó có công nhân và lực lượng vũ trang là rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (Điều 80), để bảo đảm tính minh bạch, khả thi, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 80 và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Trên cơ sở, đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội là thay đổi phương thức thực hiện chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà Luật Nhà ở hiện hành đã quy định.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định hiện hành về việc dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại, khu đô thị cho xây dựng nhà ở xã hội để bảo đảm nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, những vướng mắc hiện nay chủ yếu do tổ chức thực hiện.
Theo dự thảo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất được thừa kế, được tặng cho, mượn, thuê hoặc nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật đất đai; mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo lần này đã luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật như: Các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.