(HNM) - Năm 2021 đánh dấu một năm đầy khó khăn, thử thách với các cấp ủy Đảng, chính quyền và tất cả người dân Thủ đô. Vào những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, quân và dân Thủ đô lại sát cánh cùng nhau, quyết tâm chiến thắng “giặc Covid-19”. Truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và ý chí quật cường mãi là nguồn động lực mạnh mẽ để Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Mai, cán bộ tiền khởi nghĩa, số 129 ngõ 131 đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy):
Với tinh thần đồng lòng, quyết tâm, chính quyền và nhân dân Thủ đô chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa
Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4-2021, Hà Nội nằm trong danh sách những địa phương có nguy cơ cao. Nhưng chính trong những ngày gian khó đó, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp cơ sở đã cùng đồng hành, vào cuộc nhằm chặn đứng tốc độ lây lan của đại dịch. Các đồng chí lãnh đạo thành phố không quản ngại sớm hôm, bám sát hoạt động phòng chống dịch, lặn lội xuống tận cơ sở kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo kịp thời. Dần dần theo tình hình chung, thành phố thực hiện giãn cách linh hoạt hơn theo phương châm vừa phòng chống dịch, vừa chăm lo đời sống nhân dân, vừa khôi phục kinh tế.
Để chủ động ứng phó với các biến chủng mới và chặn đứng tốc độ, khả năng lây lan đại dịch, thành phố chủ động xây dựng phương án dự phòng, chuẩn bị kỹ càng về vật tư y tế, nhân lực, xây dựng các bệnh viện lưu động, bệnh viện dã chiến, dự phòng điểm thu dung bệnh nhân mắc Covid-19. Thời gian tới, nhân dân mong muốn thành phố chủ động hơn trong việc xác định cấp độ dịch và thông báo thật cụ thể để nhân dân biết, nắm thông tin rõ hơn về dịch bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nhân dân không chủ quan, thực hiện phòng chống dịch tốt hơn nữa. Vừa giải quyết những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đặt ra, vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới cho Thủ đô. Tin rằng tuy còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần đồng lòng, quyết tâm, chính quyền và nhân dân Thủ đô chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
Chị Hoàng Thị Thơ, công nhân Xí nghiệp Thêu, Công ty TNHH May Đức Giang:
Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - chính trị - xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước
Suốt 2 năm qua, sự hoành hành trên diện rộng của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Trong số những lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch là ngành may mặc. Ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, dù khó khăn chồng chất, thành phố đã ngay lập tức đưa ra những giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã tổ chức 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo thành phố cũng đưa ra cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư…
Những bước đi đúng đắn của thành phố trong phòng, chống dịch đã tạo được sự đồng lòng, tin tưởng của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… Và niềm tin ấy vẫn sẽ tiếp tục được giữ gìn, lan tỏa trong giai đoạn bình thường mới, với hy vọng chắc chắn thành phố sẽ vươn lên trong khó khăn và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - chính trị - xã hội… xứng đáng với sự trông đợi của nhân dân cả nước.
Chị Nguyễn Thu Huyền, đoàn viên Chi đoàn tổ dân phố số 3, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm:
Nhiều giải pháp giúp nhân dân, người lao động và đặc biệt là các doanh nghiệp nâng cao khả năng “miễn dịch”
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã chuyển sang trạng thái bình thường mới để dần khôi phục các hoạt động kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Điều khiến tôi vô cùng khâm phục là trong suốt thời gian thực hiện các đợt giãn cách xã hội kéo dài, dù cuộc sống của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp… gặp rất nhiều khó khăn, phiền phức, song thành phố vẫn điều tiết tốt việc cung ứng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tuyệt đối không xảy ra tình trạng khan hàng, đẩy giá. Trong khó khăn, Thủ đô vẫn giữ vững tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
Chỉ tính riêng đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Hà Nội đã hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, trị giá khoảng 75 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và giúp 18 tỉnh, thành phố phía Nam số tiền 3 tỷ đồng/tỉnh, thành phố, chưa kể sự hỗ trợ khác về lực lượng y tế, tình nguyện viên, vật tư và trang thiết bị y tế... Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thành phố không chỉ hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ mà còn ban hành thêm chính sách hỗ trợ đặc thù cho các nhóm đối tượng khó khăn khác, giúp hàng triệu lượt người dân trên địa bàn được thụ hưởng các khoản hỗ trợ, dần ổn định cuộc sống. Một hệ thống phòng, chống dịch chặt chẽ, tầng tầng lớp lớp, từ các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện cho đến từng ngõ phố đã được lập nên với sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân - chính là minh chứng rõ nhất về sự đồng lòng, tin tưởng của người dân trước mọi quyết sách của chính quyền thành phố.
Anh Quách Văn Xuân (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội):
Huy động sức dân làm nên chiến thắng
Trong đợt dịch thứ tư đã cho thấy một Hà Nội luôn bình tĩnh, sáng suốt trong trận chiến chống “giặc” Covid-19. Thành phố đã quyết liệt áp dụng các biện pháp mạnh - cao hơn một mức ngay từ đầu, kịp thời ngăn chặn đà lây lan nhanh của dịch bệnh. Với tinh thần mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” hàng loạt các vùng xanh an toàn với dịch đã được thiết lập, trong đó vai trò của người dân được đề cao, được đặt vào vị trí trung tâm của công tác phòng, chống dịch. Hàng nghìn tổ Covid-19 cộng đồng với đủ lực lượng từ cán bộ cơ sở mặt trận, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên đến các thành viên trong mỗi gia đình đều hăng hái phân công nhau cùng giữ bình yên từ ngôi nhà thân yêu của mình đến khu dân cư nơi mình sống… Chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn dân “thần tốc” đã nhanh chóng tạo thành tấm lá chắn vững chắc bảo vệ Thủ đô ở thời khắc nguy hiểm nhất để đến nay Hà Nội chuyển mình sang trạng thái “bình thường mới” với từng bước đi vững chắc.
Trước thềm năm mới Nhâm Dần, có thể người dân Hà Nội cũng như người dân cả nước vẫn phải “sống chung cùng dịch Covid-19” nhưng với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân Thủ đô, tôi tin tưởng người dân sẽ được an toàn, kinh tế được phục hồi và phát triển.
Anh Chu Tuấn Hải (Công ty cổ phần VTC Dịch vụ di động):
Chung sức chiến thắng dịch bệnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Cùng với công tác chống dịch, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ an sinh xã hội đến 1,82 triệu người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng cũng như các chính sách đặc thù tới những đối tượng chính sách, hộ gia đình khó khăn… Với mục tiêu phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thành phố Hà Nội trong giai đoạn cuối năm 2021 đến các năm 2022, 2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND với 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách thành phố, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Với những chiến lược đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân Thủ đô phát huy bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, chung sức chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.