(HNM) - Sản xuất tại làng nghề góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, nhưng việc xử lý nước thải, rác thải, tiếng ồn, khói bụi… vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp khả thi để giảm thiểu ô nhiễm.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề được công nhận theo tiêu chí. Điều đáng nói là hầu hết các làng nghề đều phát sinh nước thải, chất thải, tiếng ồn, khói bụi… tác động xấu đến môi trường.
Là một xã có nghề may phát triển, mỗi ngày, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) phát sinh khoảng 4-5 tấn rác thải công nghiệp thông thường (chủ yếu là vải vụn). Theo quy định, hộ sản xuất phải ký hợp đồng thu gom rác thải công nghiệp riêng, không để lẫn vào rác thải sinh hoạt nhưng nhiều hộ tự xử lý bằng cách đốt, tạo lượng khói độc và tro bụi, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, nơi có cụm 3 làng nghề sản xuất tinh bột là: Minh Khai, Cát Quế và Dương Liễu lại phát sinh ô nhiễm môi trường từ nước thải. Nước thải hữu cơ chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, trong quá trình phân hủy, bốc mùi xú uế, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân 3 xã này mà còn ảnh hưởng tới nhiều xã trong khu vực…
Số liệu mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường về khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề cho thấy: Về môi trường nước, có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm. Về môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm. Về môi trường đất, đánh giá 37/65 làng nghề thì có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm. Điều đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang khá phổ biến.
Theo Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) Đỗ Đức Thành, việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn do các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong khu dân cư, tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô nhỏ, tự phát. Trong khi đó, do khó khăn về vốn nên rất ít hộ đủ điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường... Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu; chưa có chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích di dời các cơ sở đến nơi sản xuất tập trung, gây khó khăn trong xử lý đồng bộ ô nhiễm môi trường. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó bảo đảm tiến độ do phải cân đối nguồn lực, nhất là các chương trình, nhiệm vụ dự án sử dụng nguồn ngân sách…
Thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội đến 2020 và định hướng đến 2030”, năm 2018, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề; quy hoạch lập danh mục các cụm công nghiệp có tính chất làng nghề nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Về tài chính, thành phố triển khai chính sách vay vốn ưu đãi để thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn…
Nhằm đạt hiệu quả trong thực hiện đề án của thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, căn cứ kết quả rà soát, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và tình hình triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường truyền thông về bảo vệ môi trường làng nghề; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp để hạn chế ô nhiễm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.