Giáo dục

Đẩy mạnh việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng trong trường học

Thống Nhất 06/09/2023 - 16:18

Từ năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng dùng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Việc giảng dạy nội dung này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm học 2023-2024.

th-hoai-duc.jpg
Học sinh huyện Hoài Đức biểu diễn tiểu phẩm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường đều hưởng ứng nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, từ năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, hoàn thiện và tổ chức phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng dùng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung này trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học.

Cụ thể, đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, môn giáo dục công dân đã có các nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn giáo dục kinh tế và pháp luật tiếp tục đưa các nội dung có liên quan đến phòng, chống tham nhũng vào chương trình môn học.

Chương trình, các sách giáo khoa môn giáo dục kinh tế và pháp luật thiết kế theo hướng mở, giao quyền chủ động cho giáo viên giảng dạy được chủ động thiết kế và triển khai các nội dung tích hợp với nhiều hình thức, quy mô phù hợp với từng chủ đề, bài học và phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở đó, tháng 4-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch về việc xây dựng tài liệu phục vụ giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với cấp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là cơ sở để các nhà trường vận dụng triển khai phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài việc tích hợp vào môn giáo dục công dân, các cơ sở giáo dục đã chủ động đưa nội dung này tích hợp giảng dạy trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp dưới hình thức sân khấu hóa, các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật...

Trung bình, mỗi nhà trường tổ chức được 3 chương trình ngoại khóa/năm học liên quan đến nội dung phòng, chống tham nhũng. Các nhà trường cũng đã phối hợp với công an địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền bằng hình thức phát thanh học đường về phòng, chống tham nhũng đến học sinh. Nội dung tuyên truyền về các quy định gần gũi với học sinh và các hoạt động của nhà trường; các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đã và đang được xét xử và được dư luận quan tâm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng trong trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.