(HNM) - Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tế đã phát huy thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu khoa học, công nghệ vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả thiết thực về mọi mặt. Để tạo hiệu quả bền vững, thời gian tới cần có sự phối hợp hiệu quả giữa ba nhà là cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Ứng dụng thành công trong thực tiễn
Trong số các ứng dụng thành công trong thực tiễn, tiêu biểu là đề tài trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của bà Đỗ Thị Phương Lan, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Với mong muốn đưa sản phẩm chè Ba Vì phát triển bền vững ở thị trường Hà Nội, công ty đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”. Đây là đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiệm thu cấp thành phố và triển khai sản xuất thử nghiệm tại huyện Ba Vì. Sau khi trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGAP, sản phẩm chè đã được nâng cao cả về năng suất và chất lượng.
Anh Nguyễn Huy Hoàng, xóm Đô, xã Ba Trại, huyện Ba Vì chia sẻ, trồng chè theo phương pháp VietGAP, chi phí giảm mà năng suất tăng gấp đôi, chất lượng cao, búp đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.
Là một trong những vựa rau, củ, quả lớn của Hà Nội, năm nào nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng phải đối mặt với ít nhất một vụ mùa bị rớt giá. Có năm phải đổ bỏ hàng trăm tấn củ cải do không thể tiêu thụ... Xuất phát từ thực tế đó, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ xây dựng mô hình sơ chế và chế biến rau, củ tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh được thực hiện, giúp bảo đảm đầu ra ổn định và gia tăng giá trị của nông sản. Công nghệ áp dụng là công nghệ chế biến củ cải ăn liền của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội). Đến nay, mô hình này đã trở thành mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn huyện và một số địa phương khác.
Đó chỉ là hai trong số nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn thành công. Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông tin, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao đã được chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hà, thành phố đã tổ chức hội nghị bàn giao kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đến các đơn vị ứng dụng, giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đẩy mạnh “sợi dây” kết nối
Khoa học và công nghệ đang trở thành một trong những động lực chính cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển đổi những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trở thành những sản phẩm có thể thương mại hóa ở Hà Nội vẫn còn nhiều gian nan.
Là một trong những nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu thành công, Tiến sĩ Hà Phương Thư, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nếu được ứng dụng sẽ giúp ích cho đời sống con người, nhưng lại không nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. “Nhà khoa học thường chỉ giỏi nghiên cứu, còn thiết kế sản phẩm, marketing để đưa sản phẩm ra thị trường lại không phải chuyên môn của họ”, Tiến sĩ Hà Phương Thư nhìn nhận.
Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, không chỉ sản phẩm chè mà nhiều sản phẩm khác, dù được các nhà khoa học đánh giá cao, nhưng khi thương mại hóa, doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề về vốn, vùng sản xuất, nguyên liệu và ý thức người dân. Phần lớn người tiêu dùng chưa phân biệt đâu là sản phẩm chất lượng, an toàn mà vẫn ham chọn sản phẩm giá thành rẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ chưa đạt được như mong muốn là do hạn chế từ chính sách, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nhiều nghị định được ban hành, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ và có những kết quả nghiên cứu tính ứng dụng chưa cao, nên việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp còn hạn chế; đồng thời, nhận thức của người dân về quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu.
Để việc triển khai ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ vào cuộc sống ngày càng hiệu quả, cần có sự bắt tay của 3 nhà. Trong đó, vai trò của Nhà nước là định hướng, đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm tốt, giàu tính thực tiễn, mang đến sự tăng trưởng cho doanh nghiệp; còn doanh nghiệp có trách nhiệm đưa sản phẩm đó vào thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.