(HNM) - Ứng dụng công nghệ viễn thám (CNVT) trong quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường... là một trong những hướng quản lý ưu tiên của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Việc ứng dụng này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ứng dụng công nghệ viễn thám góp phần quan trọng vào bảo vệ tài nguyên rừng quốc gia. |
Năm 2014, Bộ TN-MT hoàn thành dự án giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng CNVT và lần đầu tiên Việt Nam đã “vẽ” được bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia. Bức tranh này được “vẽ" chi tiết với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất. Khi đó, người dân mới biết và hiểu nhiều về những ứng dụng mà CNVT mang lại. Kể từ đó tới nay, công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi, phát huy được nhiều tính hiệu quả.
Theo Cục Viễn thám quốc gia, đến thời điểm này, CNVT đã, đang được ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, trước hết là tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng, giám sát môi trường. Hàng loạt nhiệm vụ đã được triển khai trong thời gian qua như: “Sử dụng CNVT và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”; “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng CNVT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”; “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng CNVT” vừa được khởi động năm 2016...
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, trong năm 2016 Cục đã đẩy mạnh xây dựng các báo cáo giám sát, theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mekong; giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bằng CNVT. Một số báo cáo giám sát nhanh cũng được xây dựng tại các khu vực có các diễn biến bất thường, nhạy cảm, như báo cáo giám sát các đảo Vành Khăn, Gạc Ma, Subi, Chữ Thập; báo cáo giám sát nhanh các đập thủy điện Pakbeng, Donsahong, Xayabury; báo cáo giám sát nhanh biến động do quá trình đô thị hóa, biến đổi lòng sông khu vực TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các địa phương đã được thắt chặt. Qua đó, từng bước nâng cao vai trò quản lý nhà nước của lĩnh vực, nâng cao nhận thức về ứng dụng viễn thám trong quản lý nhà nước về TN-MT và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong kế hoạch năm 2017, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ, lên kế hoạch triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ như: “Sử dụng CNVT để đánh giá hiện trạng, diễn biến đến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; xây dựng hệ thống giám sát bán tự động xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng CNVT và GIS; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng CNVT...
Tất cả những điều đó đã, đang và sẽ khẳng định tầm quan trọng cũng như những đóng góp thầm lặng, nhưng nhiều hiệu quả của Ngành Viễn thám quốc gia cho sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.