(HNM) - Bên cạnh việc rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu lôi kéo, kích động người dân chống đối, chủ đầu tư cùng các cấp chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền vận động, đối thoại với người dân địa phương, trong đó tập trung vào các vấn đề: vệ sinh môi trường;
Phối cảnh dự án Công viên Nghĩa trang Thiên Đường.
Hà Nội hiện có 7 nghĩa trang với tổng diện tích khoảng 70ha (gồm: Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ, Sài Đồng, Ngọc Hồi và Nhổn). Đến thời điểm này, các nghĩa trang đều quá tải. Việc quy hoạch và xây dựng một số nghĩa trang tập trung quy mô lớn, bảo đảm các yêu cầu về môi trường và sinh thái là yêu cầu cấp bách đối với Thủ đô. Trước tình hình đó, ngày 2-11-2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1995/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hệ thống nghĩa trang Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này cũng xác định sẽ xây dựng nghĩa trang tập trung của TP tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) mang tính chất công viên cây xanh, bảo đảm cảnh quan môi trường, góp phần bảo vệ rừng phòng hộ... Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người dân xã Minh Phú vẫn chưa đồng tình với chủ trương này và có các hành vi chống đối, cản trở quá trình triển khai dự án do lo ngại việc đặt nghĩa trang tại đây sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống dân cư địa phương.
Nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án CVNTTĐ, tại cuộc họp gần đây nhất với lãnh đạo các sở, ngành, huyện Sóc Sơn, xã Minh Phú và đơn vị chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường đối thoại với người dân trong vùng dự án. Trong đó, tập trung vào các nội dung mà người dân quan tâm, như công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người dân địa phương; công tác giám sát đầu tư của địa phương đối với dự án; công nghệ áp dụng. Quá trình tuyên truyền phải đồng bộ, sâu rộng đến từng người, từng hộ gia đình và các tổ chức đoàn thể địa phương.
Tuyên truyền theo cách nào để mang lại hiệu quả là câu hỏi Chủ tịch UBND xã Minh Phú Dương Ngọc Oanh đặt ra. Ông Oanh cho biết, kể từ khi bắt đầu có chủ trương triển khai dự án, các cấp chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn không ủng hộ dự án. Do đó, xã đề nghị TP, huyện và các sở, ngành có hướng dẫn cụ thể. Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, huyện và xã cần cử các cán bộ được nhân dân tín nhiệm trực tiếp gặp gỡ các bậc cao niên trong thôn, trong xã để tuyên truyền, vận động. Đồng thời, tiếp cận với từng cán bộ thôn, xã đã nghỉ hưu nhằm giải thích chủ trương của TP trong việc triển khai dự án tại địa phương. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, nhất thiết phải cử cán bộ xuống "ba cùng" với dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thậm chí chủ động đối thoại với bà con để cùng tìm ra tiếng nói chung...
Công khai quy hoạch, công nghệ dự án
Cùng với việc tuyên truyền, vận động, một trong những yêu cầu mà lãnh đạo TP Hà Nội đặt ra với các sở, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư là phải công khai quy hoạch, công nghệ mà dự án sẽ áp dụng. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Trâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hoa sen vàng (chủ đầu tư) cho biết, công ty đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu sách ảnh, tờ rơi, làm đĩa DVD để gửi tới người dân. Bên cạnh đó, cán bộ của công ty sẵn sàng giải thích cho bà con về từng nội dung của dự án khi được yêu cầu. CVNTTĐ có 3 hạng mục: chôn cất 1 lần (chiếm 30% dự án); cát táng (60%); hỏa táng lưu tro. Các hình thức này bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Riêng quy trình hỏa táng (công nghệ Thụy Sỹ) hoàn toàn khép kín, không khói, không gây ô nhiễm và tiết kiệm quỹ đất, được coi là tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài ra, trong dự án còn các khu vực dịch vụ (nghi lễ, thăm viếng), khu tâm linh, hệ thống công viên cây xanh và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ. Tại khu an táng 1 lần, người dân đang rất quan tâm, lo ngại vấn đề ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Tại khu vực này, các mộ bê tông được bố trí tại những nơi có vị trí cao, tránh nguồn nước. Đồng thời áp dụng các phương pháp xử lý khoa học để quá trình xương hóa diễn ra được tốt. Ngoài ra, hệ thống cống bao, hồ sinh học 1.000m2 bảo đảm thu gom nước thải và xử lý đạt tiêu chuẩn. CVNTTĐ sẽ thực sự là một công trình tâm linh xanh - sạch - thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, công ty cam kết có chính sách hỗ trợ tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc tại dự án; bồi thường hỗ trợ an sinh hợp lý đối với các gia đình nằm trong phạm vi dự án, các hộ nghèo, gia đình chính sách... Ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định, đây là một dự án đầu tư mang tính chất nghĩa trang, nhưng nghiêm trang, bảo đảm theo đúng phong tục của người Việt. Về công nghệ, qua xem xét hồ sơ và phần trình bày của đơn vị tư vấn Malaysia, các hạng mục tại đây mang dáng dấp của công viên nghĩa trang. Các hình thức an táng, cát táng được thực hiện khoa học, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề bảo vệ nước ngầm cũng đã được nhà đầu tư quan tâm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.