(HNM) - Ngày 12-4, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Luật Tiếp công dân cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đại diện các cơ quan báo chí.
Một trong những nội dung được học viên quan tâm là quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Theo đánh giá chung, thời gian qua, công tác tiếp công dân của các cấp, ngành vẫn còn hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Lỗi thường mắc là chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh; chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với tiếp công dân của công chức, giữa việc tiếp công dân thường xuyên với tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân ở nhiều nơi còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, khả năng giao tiếp, phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức làm công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân. Để đổi mới công tác tiếp công dân, Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Ngoài ra, Luật Tiếp công dân nêu cụ thể nguyên tắc tiếp công dân, quản lý công tác tiếp công dân, những trường hợp được từ chối tiếp công dân... Quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.