(HNM) - Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất lúa, gạo Japonica bền vững, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang nỗ lực kết nối các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Vụ mùa 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ các địa phương triển khai sản xuất 1.061ha lúa Japonica, nâng tổng diện tích trồng lúa Japonica trên địa bàn thành phố đạt khoảng 7.000ha. Ông Lê Văn Mật, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho hay, trong 3 năm trở lại đây, gia đình ông gieo cấy 1ha lúa Japonica mỗi vụ và được doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá 9.000 đồng/kg lúa tươi, trừ chi phí, gia đình thu lãi 15 triệu đồng/ha/vụ trở lên...
Hiện, việc sản xuất lúa Japonica tại các địa phương khá thuận lợi, diện tích tăng nhanh qua các vụ do đây là bộ giống lúa có nhiều ưu việt về năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica tại các vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, khó khăn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa thông tin: Chỉ tính riêng vụ mùa 2020, huyện Ứng Hòa đã gieo cấy khoảng 3.500ha lúa Japonica, dự kiến sản lượng đạt vài chục nghìn tấn. Tuy nhiên, huyện mới chỉ có một đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa, gạo Japonica; số còn lại khoảng 80% sản lượng do nông dân tự tìm thị trường để tiêu thụ...
Trong khi đó, theo bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam: Hiện, có quá ít doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo bởi khi giá trên thị trường tăng cao, nông dân thường phá cam kết, bán sản phẩm ra thị trường bên ngoài để hưởng chênh lệch. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đầu tư cho chuỗi liên kết khá lớn về chi phí xây dựng thương hiệu, tập huấn bảo quản, sơ chế…
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, ông Ngô Đình Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết: Muốn chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo Japonica thành công, bền vững, trước hết không nên xem nhẹ bất kỳ mắt xích liên kết nào. Theo đó, người nông dân cần tập trung sản xuất tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP hoặc theo hướng hữu cơ tuân thủ yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị thu mua. Ngược lại, khi nông dân sản xuất tốt, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lợi ích, bảo đảm người sản xuất lúa có lãi...
Theo kế hoạch trong năm 2020, Hà Nội xây dựng 2 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica cho Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) và Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa). Theo đó, các đơn vị sẽ được hỗ trợ 100% chi phí bao bì, kinh phí tập huấn cho người sản xuất theo hướng hữu cơ, kinh phí tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng... Từ thành công của việc xây dựng 2 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica tại các đơn vị trên sẽ làm tiền đề nhân rộng tới các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu...
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn khẳng định: Huyện tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quản lý cho các vùng sản xuất lúa Japonica, qua đó hỗ trợ nông dân thực hiện chặt chẽ các cam kết trong sản xuất - tiêu thụ lúa, gạo với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chuỗi liên kết, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nội dung và yêu cầu của chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, gạo Japonica.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.