(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố tại kế hoạch này, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố sẽ tập trung quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy và các chính sách, pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố về công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện.
UBND thành phố cũng lưu ý, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trong công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện; thường xuyên xác định phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp với lộ trình phù hợp, phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nỗ lực phấn đấu bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng năm là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
UBND thành phố cũng yêu cầu huy động sức mạnh của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô nhằm phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân Thủ đô.
Thông qua các nhiệm vụ nêu trên, toàn thành phố phấn đấu giai đoạn đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 3% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 55%.
Con số này giai đoạn đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 65%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.