(HNMCT) - Liên kết hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương từ lâu đã là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Du lịch Thủ đô.
Đoàn famtrip của Sở Du lịch Hà Nội khảo sát các điểm đến tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. |
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Liên kết, hợp tác phát triển là xu thế tự nhiên của nhiều ngành nghề, và du lịch càng không thể đứng ngoài cuộc. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, ngoài sự liên kết với các bộ, ngành trong công tác quản lý, hoạch định chính sách còn là sự liên kết giữa các địa phương, các vùng miền để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách. Với vị trí là một trung tâm du lịch lớn, Hà Nội càng có điều kiện thuận lợi để hợp tác hiệu quả với các tỉnh, thành, vùng miền trên cả nước nhằm tạo sự đa dạng trong các chương trình tour, tăng sức cạnh tranh và hỗ trợ phát triển.
Những năm qua, Hà Nội đã cùng với các địa phương hợp tác, xây dựng các sản phẩm, tour mới như: Chương trình kết hợp du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình; Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương; Tổ chức chương trình “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” (gồm Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình - Phú Thọ - Hà Nội). Không những thế, Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp xuất bản bản đồ du lịch liên kết các địa phương như: Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Phú Thọ, Hà Nội - Bình Định - Gia Lai, Hà Nội - Điện Biên... Cách làm này dần cho thấy tính hiệu quả, sự chuyên nghiệp trong việc hợp tác, phát triển du lịch giữa Hà Nội và các địa phương.
Trong những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội cùng các tỉnh, thành đã đóng vai trò “cầu nối” giúp các chuyên gia, hãng lữ hành, chính quyền địa phương và người làm du lịch tại các điểm đến khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp để tìm ra giải pháp xây dựng tour, tuyến phù hợp với từng thị trường khách. Đồng thời, Sở cũng tổ chức các đoàn Fam khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, trong và ngoài nước nhằm tăng cường trao đổi hiểu biết về các tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương và quốc gia láng giềng...
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động, phối hợp với lực lượng thanh tra các địa phương tăng cường trao đổi thông tin, xử lý hành chính các vi phạm trong lĩnh vực du lịch như tình trạng hướng dẫn viên người nước ngoài tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam; tình trạng cư trú trái phép, lao động bất hợp pháp... Nhờ tăng cường phối hợp với các địa phương, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý kịp thời, góp phần xây dựng môi trường du lịch an toàn, an ninh cho du khách.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực
Qua việc thực hiện có hiệu quả hoạt động hợp tác giữa các địa phương, du lịch Thủ đô đã tạo được sự liên kết liên ngành, liên vùng; xây dựng tour nội vùng, nội địa, quốc tế; tạo ra các sản phẩm, dịch vụ gắn với từng thị trường khách du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương, bảo đảm phát triển tương xứng với vị thế là ngành kinh tế tổng hợp, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội với cả nước. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hiệu quả của hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương. Sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi vấn đề xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực... vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những khác biệt về lợi thế, sản phẩm giữa các địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều. Đó là những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Để việc liên kết ngày càng hiệu quả, việc đầu tiên là phải xây dựng được các sản phẩm chất lượng, có tính liên vùng để gia tăng cơ hội trải nghiệm, khuyến khích khách du lịch chi tiêu. Muốn vậy, bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú... các địa phương cần lưu ý tới chất lượng nguồn nhân lực. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng điểm đến. Hà Nội nằm trong top 10 quốc gia có tỷ trọng khách đến từ các nước châu Âu cao nhất. Vì thế, nguồn nhân lực của Hà Nội cũng như các địa phương liên kết cần phải đạt chất lượng cao để có thể đáp ứng nhu cầu phục vụ đối tượng khách này.
Không phải địa phương nào cũng có điều kiện và nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá như Hà Nội. Các tỉnh Ninh Bình, Hà Giang, Nghệ An, Điện Biên... đều mong muốn được Hà Nội hỗ trợ lồng ghép hình ảnh của các địa phương trong chương trình quảng bá phát trên kênh truyền hình quốc tế CNN. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho rằng đây là cách làm hiệu quả mà vẫn tiết kiệm được chi phí. Đơn cử như sau khi các hình ảnh về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn xuất hiện trên kênh CNN, chỉ trong thời gian ngắn lượng khách đến Hà Giang từ Hà Nội và các tỉnh, thành đã tăng trưởng đáng kể. Ông Nguyễn Hồng Hải bày tỏ hy vọng bằng việc lồng ghép hình ảnh của các địa phương trong clip quảng bá của Hà Nội trên kênh CNN, lượng khách đến Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng mong muốn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm liên kết như “Hành trình về các kinh đô Việt cổ” hay kết nối du lịch tâm linh - sinh thái giữa Hà Nội với các điểm đến nổi tiếng như Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình), đền Cờn, đền Bạch Mã (Nghệ An), chùa Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam)...
Xác định liên kết là xu thế tất yếu, thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác du lịch với các địa phương trên tinh thần các bên cùng có lợi; tổ chức các hoạt động liên kết có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu, điểm du lịch; triển khai hiệu quả các chương trình: Tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết; điều phối tuyến du lịch từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố liên kết và ngược lại; đào tạo nguồn nhân lực có tính chất liên thông các tỉnh, thành phố...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.