Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh đấu tranh trong lòng địch, tiến tới giải phóng Thủ đô

Thạc sĩ Phạm Kim Thanh| 10/10/2022 06:26

(HNM) - Từ tháng 3 đến tháng 7-1954, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư ngày 26-3-1954 về “Ra sức đẩy mạnh công tác ở vùng tạm bị chiếm”, quân dân các vùng cửa ngõ Thủ đô đã cùng với quân dân nội, ngoại thành Hà Nội chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tiếp đó, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của phái đoàn ta tại Hội nghị Phù Lỗ, nhằm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, tiến tới giải phóng Thủ đô.

Hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan vẫy chào đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô, sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Sơn Tây là “cái chốt” quan trọng hàng đầu của vùng tam giác Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình. Do đó, Bộ Tư lệnh Liên khu III điều Tiểu đoàn 928 lên Sơn Tây, cùng bộ đội địa phương tấn công Hạ Bằng (ngày 6-3-1954), chống địch càn quét ở Cần Kiệm - Hạ Bằng - Tân Xã (ngày 10-3-1954) và Hạ Bằng - Liệp Tuyết (ngày 25-3-1954), giành thắng lợi lớn... Ở Sơn Tây, Trung đoàn 57 thuộc Sư đoàn 304 đánh địch ở các vị trí quan trọng phía Tây và phía Nam thị xã. Cả một vùng phía Tây Hà Nội được giải phóng: Thạch Thất (ngày 13-7-1954), thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ (ngày 3-8-1954).

Ở Đan Phượng, ngày 26-5-1954, bộ đội Liên khu III phối hợp với Đại đội 350 của tỉnh Hà Đông tấn công tiêu diệt địch ở Bồng Lai, Thọ Lão. Khu du kích Phúc Thọ - Đan Phượng được nối liên hoàn với khu du kích Thạch Thất - Quốc Oai, tạo thêm thế và lực vững chắc cho cuộc kháng chiến. Ở Hoài Đức, kết hợp đánh đồn bốt và địch vận, ta diệt đồn Ngãi Cầu, Đông Lao, bức rút đồn La Nội, La Phù, Yên Lũng... Ngày 28-7-1954, số lính địch còn lại rút về Hà Nội và thị xã Hà Đông, Hoài Đức được giải phóng.

Trên cửa ngõ phía Nam và Tây Nam thành phố, du kích cũng đẩy mạnh hoạt động phá bốt, giải tán các hội tề. Từ tháng 3-1954, du kích huyện Phú Xuyên, Thường Tín đã kết hợp với bộ đội tỉnh Hà Đông nhổ các bốt địch đóng trên vị trí quan trọng như Hà Hồi, Vồi, chợ Cầu, La Phù, vận động hàng trăm lính ngụy quay súng về với nhân dân. Đặc biệt, từ tháng 1-1953, 5 xã: Ái Quốc, Cộng Hòa, Nguyễn Huệ, Hồng Minh, Hoàng Long bị địch chiếm đất, rào dây thép gai để làm thí điểm chương trình “dồn dân lập ấp” gọi là “Đại xã Đồng Quan” theo viện trợ của Mỹ, hòng cô lập lực lượng kháng chiến. Suốt hơn một năm, nhân dân đã kiên cường, bền bỉ bám làng, chống dồn dân, đánh tháp canh, phá các cơ sở kỹ thuật của địch trong khu tập trung, không chịu vào “Đại xã”. Đây là thắng lợi điển hình của chiến tranh nhân dân chống sự can thiệp tinh vi của Mỹ vào chiến trường Bắc Bộ. Ngày 28-8-1954, Thường Tín được giải phóng.

Thị xã Hà Đông được tăng cường các tiểu đoàn của Liên khu III và tỉnh Hòa Bình, đồng thời, Ban Chỉ huy mặt trận Tây Nam Hà Nội cũng được thành lập. Từ tháng 8-1954, nhân dân đấu tranh chống địch di chuyển máy móc, phá hoại tài sản, chống địch cưỡng ép di cư, chuẩn bị mọi mặt để đón Trung đoàn 57 thuộc Sư đoàn 304 về tiếp quản thị xã.

Ở cửa ngõ phía Bắc, quân dân Mê Linh, Phù Lỗ, Yên Lãng, Phúc Yên, Đa Phúc, Kim Anh cũng đánh mạnh đồn bốt, tháp canh của địch. Ngày 3-8-1954, Mê Linh được giải phóng. Ngày 13-8-1954, địch rút khỏi Phù Lỗ, Đa Phúc, Kim Anh (nay là Sóc Sơn), nơi đây sạch bóng thù.

Ở cửa ngõ phía Đông, trên địa bàn Gia Lâm, du kích còn đánh địch trên đường số 5 tại Km15... Trong tháng 8 và 9-1954, quân dân Gia Lâm đã giải thoát cho hàng trăm tù nhân bị địch giam giữ ở Nhà Rượu (dốc cầu Long Biên)...

Như vậy, từ ngày 13-7 đến 28-8-1954, với sự hỗ trợ của các Sư đoàn 320, 304 và bộ đội các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Vĩnh Phú, Hòa Bình, nhiều vùng nông thôn nằm trên các cửa ngõ của Hà Nội được giải phóng. Hệ thống tề ngụy tan rã giúp ta có thêm sức người, sức của to lớn, tạo ra thế và lực mới, đồng thời cũng là bàn đạp vững chắc cho các mũi tiến quân của bộ đội chủ lực tiến vào Thủ đô.

Trên mặt trận ngoại giao, ở Hội nghị Phù Lỗ diễn ra từ ngày 17 đến 30-9-1954, đoàn đại biểu ta yêu cầu Pháp rút quân đúng thời hạn, bảo đảm an toàn, không phá hoại tài sản công cộng. Trong thành phố, tù chính trị ở nhà Tiền và Thanh Liệt bị địch đưa đi Hải Phòng đã đấu tranh quyết liệt, đòi trả tự do. Nhân dân ta kiên quyết đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư, phá hoại, di chuyển máy móc, thiết bị… để bảo đảm dòng điện, nước, vệ sinh, ổn định đời sống và hoạt động sản xuất của mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban Liên hợp đình chiến, tố cáo phía Pháp vi phạm Hiệp định Giơnevơ.

Từ đó, ta có căn cứ và sức mạnh đấu tranh của toàn dân, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố theo nguyên tắc trật tự, an toàn, bồi hoàn đầy đủ những tài sản đã bị phá hoại, tháo dỡ. Ngày 30-9-1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự. Ngày 2-10-1954, ký tiếp Hiệp định chuyển giao về hành chính.

Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội”. Đại quân ta tiến vào Thủ đô thắng lợi, có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng trong nước và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. vì vậy, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp công cuộc tiếp quản, coi đó là trận đánh cuối cùng ngay tại đầu não của thực dân Pháp.

Theo lịch rút quân đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển và thị xã Hà Đông ngày 6-10-1954. Sáng 8-10-1954, Tiểu đoàn Bình Ca qua cầu Đuống, cầu Long Biên vào nội thành để tiếp quản 35 vị trí quân sự. Chiều cùng ngày, binh lính Pháp cuốn cờ xuống chân Cột Cờ, đánh dấu sự cáo chung của chế độ thực dân kiểu cũ tồn tại gần trăm năm trên đất Việt Nam. Sáng 10-10-1954, các cánh quân của đại quân tiến vào Thủ đô Hà Nội. 15h cùng ngày, tại sân Cột Cờ, hàng vạn người dự lễ chào cờ mừng chiến thắng do Ủy ban Quân chính tổ chức.

Nhìn lại cuộc kháng chiến thần thánh suốt 9 năm của quân dân Thủ đô càng thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Hà Nội được giải phóng là kết quả hy sinh xương máu của quân, dân nội, ngoại thành và quân dân ta trên các chiến trường cửa ngõ Thủ đô nói riêng, của quân dân toàn quốc nói chung, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thống thiết nói: “Máu nóng của các Liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các Liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đấu tranh trong lòng địch, tiến tới giải phóng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.