Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện

Thanh Hải| 11/09/2021 07:30

(HNM) - Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến công tác quản lý vận hành bị ảnh hưởng và chi phí tiền điện tăng. Do vậy, đẩy mạnh các giải pháp điện tiết kiệm không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi gia đình mà còn giúp giảm tải cho ngành Điện khi giá nguyên liệu đầu vào đang ngày một tăng cao.

Công nhân Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội kiểm tra thiết bị đường dây để bảo đảm cung cấp điện phục vụ người dân.

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), thời gian qua, mức tiêu thụ điện tại Hà Nội đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượng điện tiêu thụ trung bình trong các ngày đầu tháng 8-2021 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, ví như sản lượng điện tiêu thụ ngày 6-8 đạt 87,791 triệu kWh, đã tăng gần 57% so với ngày 1-8 (56,098 triệu kWh).

Chị Nguyễn Thanh Thủy (trú tại chung cư G3CD, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, trước giãn cách, việc sử dụng điện của gia đình chỉ tập trung vào buổi tối. Tuy nhiên, từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cả gia đình đều ở nhà nên sử dụng thiết bị điện nhiều, nhất là các thiết bị làm mát, nên tiền điện tăng rất cao, như trong 7-2021, gia đình đã phải trả khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Do đó, đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện không những giúp các hộ gia đình, cơ quan, công sở giảm chi phí mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện. Bởi hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu than cho phát điện và dự kiến tới năm 2023 sẽ phải nhập khẩu cả khí hóa lỏng. Thống kê mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã dấy lên lo ngại về điều này.

Theo đó, EVN đang phải gánh chi phí mua điện tăng vọt 16.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 do giá nhiên liệu đầu vào (dầu, than) tăng cao. Cụ thể, giá nhiên liệu đầu vào tháng 7 và 20 ngày đầu tháng 8-2021 đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, nhất là giá than. Giá than bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 98,8 USD một tấn, đã tăng lên 150 USD mỗi tấn vào tháng 7 và 159,7 USD trong 10 ngày đầu tháng 8-2021. Trong khi đó, hiện nay sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả loại hình nguồn phát.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết diễn biến bất thường khiến tăng trưởng phụ tải điện ở mức cao, EVNHANOI đã có phương án cải tạo, nâng công suất, san tải để bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng ban Truyền thông EVNHANOI chia sẻ, hiện việc sử dụng điện tiết kiệm vẫn phụ thuộc vào nhận thức của người tiêu dùng. Một trong những thói quen phổ biến của người dân là không tắt đèn khi rời khỏi phòng hay không rút phích điện khi không sử dụng thiết bị. Thực tế, các thiết bị điện tử, đồ gia dụng vẫn tiêu thụ năng lượng khi đã tắt nhưng không rút phích cắm điện. Nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ ở khu vực thành thị rất cao. Chỉ cần mỗi gia đình tiết kiệm khoảng 10% lượng điện tiêu thụ bằng cách sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ mới (như công nghệ inverter) thì sản lượng điện tiết kiệm được là không nhỏ.

Hiện nay, EVNHANOI đang tiếp tục thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021. Thông tin thêm về điều này, Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI Lê Ánh Dương cho biết, tổng công ty đang tiếp tục triển khai đồng bộ biện pháp tuyên truyền đến từng hộ gia đình, đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất… gắn với các giải pháp kỹ thuật vận hành, kiểm tra, giám sát. Với các hộ gia đình, ngành Điện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, phát động phong trào “Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng”, phấn đấu mỗi quận có 500 hộ, mỗi huyện có 300 hộ đạt gia đình sử dụng điện tiết kiệm tiêu biểu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.