(HNM) - "Giáo dục hiện nay ở trong tình trạng đổi mới hay là chết, nếu nằm im thì bại liệt" - PGS.TS, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh Văn Như Cương bày tỏ sự lo lắng, sốt ruột trước thực trạng nền giáo dục nước nhà.
Nhưng trong cuộc trao đổi cùng Hànộimới về yêu cầu bức thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nhân năm học mới 2013-2014 vừa bắt đầu, ông trăn trở nhiều hơn về câu chuyện dạy học sinh thành Người. Phải chăng, đây chính vừa là đích, vừa là gốc của sự đổi mới?
PGS.TS Văn Như Cương. |
Lá thư tâm huyết và việc dạy làm Người
- Sau bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm ngoái, bức thư gửi cha mẹ học sinh của ông ngày 5-9 năm nay lại thu hút được sự quan tâm của dư luận. Hẳn ông thấy vui vì những thông điệp mình gửi gắm được xã hội đón nhận? Năm học tiếp theo, đối tượng nào sẽ được ông gửi thư?
- Tôi cũng chưa nghĩ đến. Viết thư cho học trò, viết vài lời gửi tới cha mẹ học sinh là cách tôi muốn thay đổi sự rập khuôn, nhàm chán của lễ khai giảng, vốn ngày xưa được không chỉ trẻ con mà cả người lớn hân hoan, chờ đón. Ngày trở lại trường sau 3 tháng nghỉ hè, được gặp lại thầy, cô giáo và bạn bè, không vui sao được. Với những học sinh lần đầu đi học hay buổi đầu tiên đến ngôi trường mới thì sự háo hức càng nhiều hơn. Nhưng bây giờ, học sinh đi học trước ngày khai trường cả nửa tháng, lễ khai giảng được tập đi, tập lại mãi thì còn gì mới mà mong chờ. Trường Lương Thế Vinh còn đi học sớm hơn các trường công khác. Vì thế, phải có cách làm mới cho bớt tính hình thức đi. Trong lễ khai giảng, tôi chỉ nói vài câu ngắn gọn, dành thời gian cho học sinh vui chơi, tham gia những hoạt động mà các em thích để đến trường thấy vui. Những gì cần nói với các em, tôi viết trong thư. Việc đọc thư chắc sẽ có hiệu quả hơn là nghe thầy giáo huấn, bởi hình ảnh thường thấy ở các lễ khai giảng kiểu “đồng phục” là người lớn ở trên bục cứ nói, học sinh ngồi dưới sân cứ loay hoay, thậm chí nói chuyện, cười đùa. Đừng trách bởi những điều thầy cô hay các đại biểu đang nói không khiến các em muốn nghe.
- Trong thư gửi cha mẹ học sinh, điều đầu tiên ông nhắn gửi là “xin các bậc làm cha, làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái mình”. Thưa ông, sao không phải là những điều khác giáo viên thường khuyên phụ huynh như hãy nghiêm khắc hơn, hoặc là kiểm tra việc học và làm bài tập tại nhà?
- Vì đó chính là lý do khiến tôi nảy ra ý định viết thư gửi cha mẹ học sinh. Ý định này đến thật tình cờ khi tôi tiếp một ông bố có con vừa vào lớp 6 của trường. Vị phụ huynh này cứ nói mãi rằng, con gái ông ấy cực kỳ giỏi, rất tài năng, không hiểu vì sao hôm thi lại làm bài không được tốt nên không được vào lớp cháu muốn, cháu khóc suốt. Tôi đã giải thích rằng, việc kiểm tra xếp lớp cũng chỉ để cho các cháu học ngang nhau cùng học một lớp cho dễ dạy, còn lớp nào ở trường cũng tốt cả. Một đứa trẻ, mới học đến lớp 6, khó có thể khẳng định tài năng đến đâu, nhưng vị phụ huynh ấy vì cho rằng con mình cái gì cũng nhất và làm cho con trẻ cũng lầm tưởng như vậy. Ngược lại, tôi cũng gặp không ít ông bố, bà mẹ luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem nó là đồ bỏ đi, không được tích sự gì... Lối suy nghĩ này cũng rất nguy hại cho trẻ con, vì cũng làm nó cho rằng, nó là đứa trẻ vô tích sự, có cố gắng cũng không bao giờ hài lòng bố mẹ. Chính những điều đã được chứng kiến qua quá trình tiếp xúc, làm việc với cha mẹ học sinh, từ kinh nghiệm dạy con cái, dạy học trò, tôi muốn tâm sự với các ông bố, bà mẹ rằng: “Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu. Nghệ thuật làm cha, làm mẹ là phải biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó. Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu giáo dục của chúng ta”.
- Ông nói rằng, ý định viết thư cho cha mẹ học sinh là ngẫu hứng, nhưng 6 điều tâm sự trong lá thư này đều đúng và trúng như “đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái”, “đừng quá thương con đến mức không để chúng đụng chân, đụng tay làm bất cứ việc gì, dành toàn bộ thời gian cho chúng dùi mài kinh sử”, “hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái”, “hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với thế giới thật có xung quanh, để chúng đừng đắm chìm và chạy theo thế giới ảo trên mạng”, “không học thêm một cách vô tội vạ”. Cũng có hai con đều ở “tuổi teen” nên tôi thấy những điều ông viết thực sự đang là “vấn đề” của các bậc cha mẹ hiện nay…
- Nói là ngẫu hứng, bởi cuộc trò chuyện với vị phụ huynh ngay trước thềm năm học mới đã khiến tôi viết ra những điều mình đã suy nghĩ, trăn trở bấy lâu. Tôi xin phụ huynh đừng nuông chiều con quá mức bởi tôi thấy học sinh trường tôi và cả các trường khác cũng thế thôi, tiêu tiền không biết tiếc, dùng điện thoại xịn, ăn uống lãng phí. Chúng coi chuyện bố mẹ phải kiếm tiền và thỏa mãn mọi đòi hỏi của chúng như là lẽ đương nhiên. Chúng không còn biết ơn cha mẹ đã vất vả nuôi mình ăn học, trong khi sự biết ơn đó chính là động lực thúc đẩy các con ra sức học hành. Tôi thấy với con cái, quan niệm “yêu cho roi cho vọt” là sai lầm nhưng “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém. Hay việc không cho trẻ tham gia làm việc nhà cũng vậy. Tôi đã chứng kiến không ít bà mẹ, cơm nước xong nói với con: “Con nghỉ một lúc rồi học bài, để mẹ rửa bát cho”. Các vị sẽ làm cho con mình trở thành kẻ lười lao động, mà kinh nghiệm của mấy chục năm làm thầy giúp tôi rút ra một điều, không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động chắc chắn không làm việc gì thành công.
- Thực sự là những điều ông vừa nói không mới, nhưng cách ông làm thì rất mới và có hiệu quả. Ngày khai trường năm nay với không chỉ cha mẹ học sinh Trường Lương Thế Vinh mà rất nhiều phụ huynh khác có điều để nhớ. Họ được nhắc nhở về vai trò của giáo dục trong gia đình đối với việc dạy làm Người. Và đây chắc cũng là điều ông muốn hướng tới?
- Quả đúng là như vậy. Từ xưa tới nay, giáo dục trong gia đình lúc nào cũng quan trọng, nhất là với những năm đầu đời của một đứa trẻ. Rõ ràng, con cái của gia đình giáo viên thường có nền nếp hơn. Và thực tế là, những học sinh hư thường không được thụ hưởng đầy đủ sự giáo dục của cha mẹ.
- Nhưng lâu nay, người ta hay đổ lỗi cho những hành vi lệch chuẩn của trẻ là do nhà trường nặng dạy chữ, nhẹ dạy người. Lối suy nghĩ này ăn sâu bám rễ đến mức một thiếu niên 12 tuổi mắc lỗi ngoài trường học, vào kỳ nghỉ hè, hay thậm chí nó đã nghỉ học nhưng bao giờ cũng được viết là “học sinh lớp 6 đã vi phạm...” chứ không nói là “một thiếu niên 12 tuổi”.
- Đấy chỉ là thói quen viết và nói thôi. Tôi cho rằng, chúng ta hiện đang thiếu hẳn việc dạy làm người, dạy kỹ năng sống, chỉ thiên về kiến thức văn hóa. Xã hội nhiều tệ nạn mới và phức tạp nhưng nhà trường không giúp học sinh có sức đề kháng. Điều này cần phải thay đổi.
Học để làm gì, học cái gì và học như thế nào?
- Đúng là phải thay đổi, ai cũng nói phải đổi mới nhưng bắt đầu từ đâu và bằng cách nào thì vẫn là cuộc tranh luận chưa có hồi kết. Ý kiến của ông ra sao, thưa ông?
- Cái phải thay đổi là xác định trong chương trình, dạy chữ chiếm bao nhiêu phần trăm, dạy người chiếm bao nhiêu phần trăm. Cần phải quyết định điều này bởi dạy người rất khó và mất nhiều thời gian. Sau đó là dạy như thế nào? Như hiện nay, môn giáo dục công dân gần như không có giá trị trong việc dạy người. Học sinh lớp 10 được dạy về vật chất, ý thức, phép biện chứng, đến tôi đọc còn không hiểu. Dạy kỹ năng, dạy làm người cần phải có thời gian, phải kiên trì và học sinh cần được học trong chính thực tế sinh động quanh chúng. Ở Trường Lương Thế Vinh, chúng tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội để qua đó các em học được cách yêu thương con người, biết bảo vệ thiên nhiên, môi trường...
- Nhưng học sinh giờ phải học quá nhiều, lấy đâu thời gian để học làm Người theo cách ông nói?
- Chính vì thế nên tôi mới nói là phải xác định cho rõ ràng, trong chương trình, bao nhiêu phần trăm dành cho dạy làm Người. Nói thật là phần dạy chữ hiện nay có rất nhiều thứ vô bổ, dạy và học chẳng để làm gì. Ví như môn toán của tôi chẳng hạn, có bỏ đi 30% kiến thức cũng không ảnh hưởng gì. Trong chương trình hiện hành, có những phần kiến thức hoàn toàn không để làm gì, nhưng thầy vẫn phải dạy, trò vẫn phải học, vừa lãng phí thời gian, công sức, vừa chỉ mang tính hình thức.
- Là tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa, sao ông vẫn đưa những kiến thức không cần thiết ấy vào sách?
- Người viết sách chỉ là người thi công, người soạn chương trình mới là người thiết kế. Họ đã thiết kế cái nhà như thế thì chúng tôi phải thi công cho ra cái nhà ấy, dù có thể biết là chi tiết này thừa, hay thậm chí là xấu.
- Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng chương trình và sách giáo khoa cho giai đoạn sau năm 2015. Ông có ý kiến gì với các “kiến trúc sư” của chương trình mới?
- Tôi không rõ chương trình và sách giáo khoa cho sau năm 2015 hiện đã làm đến đâu. Hôm khai giảng vừa rồi, nghe Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói là, từ năm 2015 sẽ có sách giáo khoa cho các lớp đầu cấp, tức là lớp 1,6,10, tôi hoảng quá. Giờ chúng ta chưa xác định được học để làm gì, để mà sau đó quyết định học cái gì và học như thế nào thì làm sao mà có sách giáo khoa vào năm 2015 được. Và nếu có thì có giải quyết những vấn đề hiện nay hay không. Vì như hiện nay, chúng ta đang học để thi, nên thi gì học nấy và học gạo, học thêm tràn lan. Quan trọng nhất của việc xây dựng chương trình là phải trả lời thấu đáo câu hỏi học để làm gì. Với bậc tiểu học, câu trả lời đơn giản là học để lên cấp THCS vì đây là bậc học phổ cập. Với bậc THCS, câu trả lời là để học tiếp lên THPT và học nghề. Với bậc THPT, học để có thể học tiếp bậc đại học, hoặc có thể học luôn nghề kỹ thuật, hoặc nghề giản đơn. Và chương trình phải thiết kế cho phù hợp với mục tiêu ấy.
- Có một điều tôi mãi không hiểu là, sao chúng ta không tận dụng lợi thế của người đi sau trong việc xây dựng chương trình, trong khi các nước đã có chương trình và sách giáo khoa thực sự tiên tiến, hiện đại?
- Về điều này, tôi cũng không hiểu.
- Năm học mới đã bắt đầu rồi, ông có hy vọng sẽ có những đổi mới gì trong năm nay không?
- Năm vừa rồi, tôi đã kỳ vọng rằng sẽ có sự thay đổi bởi Đảng ra Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Chủ trương này được giáo giới hết sức hưởng ứng bởi nó là đòi hỏi bức thiết. Nhưng tôi thực sự thất vọng vì một năm đã qua chưa có một sự thay đổi nào đáng kể, ngoài những giải pháp vụn vặt, không căn cơ. Có cảm giác có tư duy nhiệm kỳ ở đây. Cũng có một thực tế, các cán bộ của ngành giáo dục dường như là công chức giáo dục chứ không phải là nhà sư phạm. Có ngành cần những công chức mẫn cán nhưng giáo dục thì không. Trong giáo dục, rất cần sự sáng tạo. Cùng một chủ trương, ví như tổ chức khai giảng có ý nghĩa nhưng biện pháp triển khai phải linh hoạt, sáng tạo, chứ không nên cứng nhắc như kiểu quy định phải tổ chức khai giảng từ ngày 4-9. Trường tôi khai giảng ngày mùng 3, may quá trời đẹp. Cũng có trường, vì muốn có lãnh đạo đến dự vẫn tổ chức khai giảng sớm, hoặc muộn. Chỉ một việc đơn giản như vậy thôi nhưng nếu Bộ bảo gì, Sở phổ biến cho hiệu trưởng, hiệu trưởng lại truyền đạt lại cho giáo viên thì không phải là cách làm đúng trong giáo dục. Hay như việc quy định không cho điểm học sinh lớp 1, tôi cho là hay để tránh việc gây ra những mặc cảm, sự ganh đua không nên có đối với trẻ, góp phần làm giảm tâm lý lúc nào con mình cũng phải nhất của cha mẹ học sinh. Nhưng triển khai thế nào, có tập huấn cho giáo viên lớp 1 không và lộ trình ra sao? Những điều ấy, nếu là những nhà sư phạm thì phải suy nghĩ.
Tôi hy vọng là, năm học mới, tính “công chức giáo dục” sẽ bớt đi, tính “sư phạm” sẽ tăng lên ở những nhà quản lý, hoạch định chính sách cho giáo dục để dù cho chưa thể có được những đổi mới to lớn thì cũng có những đổi mới nhỏ thôi nhưng là sự đổi mới thực sự, giúp cho giáo dục thoát khỏi tình trạng dậm chân tại chỗ như hiện nay. Bởi giáo dục hiện nay ở trong tình trạng đổi mới hay là chết, nằm im sẽ bại liệt.
- Xin cảm ơn ông và mong sẽ tiếp tục được đón nhận những lời tâm sự đầy ý nghĩa, những chia sẻ đầy tâm huyết của ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.