Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầy gian nan

Thùy An| 11/12/2011 07:31

(HNM) - Những thành tích đầy khả quan tại ASIAD 16 đã đưa Điền kinh lọt vào nhóm được đầu tư mạnh nhất của Tổng cục TDTT trong việc giành vé tham dự Olympic 2012. Nhưng đến lúc này, trong khi những bơi lội, cử tạ, thể dục dụng cụ, Judo, cầu lông, Taekwondo đã chắc suất hoặc 99% chắc suất thì cửa đến Olympic 2012 của Điền kinh Việt Nam vẫn chưa sáng hơn là bao.

Dương Việt Anh (trái) và Trương Thanh Hằng, ai sẽ tham gia Olympic 2012? Ảnh: Chi Bảo

Kết quả trái ngược với đầu tư

Không ai bất ngờ khi Điền kinh được đầu tư mạnh nhất trong các bộ môn của Tổng cục TDTT năm 2011. Kinh phí rót cho bộ môn lên tới hơn 100.000 USD, chủ yếu nhằm đầu tư cho các VĐV trọng điểm giành chuẩn Olympic 2012. Hai cái tên được chỉ ra rõ ràng: Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng. Đấy là những gương mặt sáng giá của thể thao Việt Nam trong năm 2010 với việc giành tới 3 HCB tại ASIAD 16, thành tích chưa từng có trong lịch sử Điền kinh Việt Nam. Họ là ví dụ điển hình cho thấy thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường tiếp cận các đỉnh cao ASIAD và Olympic. Ngành thể thao không tiếc tiền đầu tư cho họ cũng vì vậy.

Thế nên, đề xuất tập huấn nước ngoài của các HLV, chuyên gia đều dễ dàng được chấp thuận nhằm tạo điều kiện để Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng giành chuẩn dự Olympic 2012 bằng suất chính, điều chưa từng xảy ra với Điền kinh Việt Nam. Đi tập huấn dài hạn ở Đức, Trung Quốc - tất cả đều được đồng ý với sự tin tưởng của lãnh đạo ngành. Nhưng trục trặc đã xảy ra khi Vũ Thị Hương dính chấn thương khi tập huấn tại Đức khiến toàn bộ giáo án tập luyện trong thời gian ở đây vỡ theo. Sự hồi phục chậm chạp của Vũ Thị Hương đã khiến hy vọng tới Olympic 2012 của Điền kinh Việt Nam giảm một nửa, chỉ còn trông vào Trương Thanh Hằng. Cô gái gốc TP Hồ Chí Minh may mắn hơn đồng nghiệp khi không bị chấn thương trong suốt thời gian tập huấn tại Đức và Trung Quốc. Nhưng điều được người ta trông đợi nhất ở cô là giành vé dự Olympic 2012 lại không xảy ra. Ở cả 3 cuộc thi là Giải vô địch Châu Á, vô địch thế giới và SEA Games, chưa lần nào Hằng giành chuẩn B: 2'01''30. Tại SEA Games 26, cô được kỳ vọng giành chuẩn B Olympic 2012 nhưng cuối cùng cũng không thực hiện được. Trương Thanh Hằng vẫn dễ dàng giành 2 HCV nhưng chỉ xét thuần túy về chuyên môn, đó lại là thất bại của cô, nhất là khi cô được đầu tư đến mức có thể của ngành thể thao.

Và đấy cũng là thất bại của cú đầu tư mạnh tay nhất của bộ môn Điền kinh, Tổng cục TDTT. Tất nhiên, đầu tư nào cũng có rủi ro và lần này, những rủi ro ấy đã xuất hiện.

6 tháng để lo giành chuẩn Olympic

Cuối năm 2011, khi mọi sự chú ý đều dồn về Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng trong hành trình giành chuẩn Olympic thì "bỗng đâu" Điền kinh Việt Nam hiện ra những gương mặt sáng giá khác, có cơ hội không kém các đàn chị. Sáng nhất trong số này phải kể đến Dương Việt Anh (nhảy cao), VĐV từng có thời bị chuyên gia Misa (từng huấn luyện VĐV nổi tiếng Bùi Thị Nhung) chê vì thể hình không phù hợp với nhảy cao (cao 1m70, nặng 70kg). Không được thầy ngoại trọng dụng nhưng Dương Việt Anh vẫn được các thầy nội tin tưởng. Sau một thời gian giảm cân, Dương Việt Anh chỉ còn 60kg và từ đó liên tục chinh phục các đỉnh cao mới, trở thành người kế thừa xứng đáng của Bùi Thị Nhung. Tại SEA Games 26, Dương Việt Anh mới là gương mặt sáng giá giành chuẩn Olympic bên cạnh Trương Thanh Hằng. Dù không thực hiện được mục tiêu này nhưng với việc vượt qua mức xà 1m90 (cách chuẩn B 2cm) rồi sau đó lặp lại thành tích này ở 7 môn phối hợp, cũng là lần thứ 3 qua mức xà 1m90 trong 2 tháng, đã khiến Dương Việt Anh được đưa vào nhóm đầu tư trọng điểm giành vé đến Olympic 2012. Nhóm này không có Vũ Thị Hương sau những sa sút chuyên môn trong thời gian gần đây. Với dân trong nghề, đó là chuyện bình thường và có lẽ đấy lại là cú hích để Vũ Thị Hương làm mới mình.

Hiện tại, Trương Thanh Hằng và Dương Việt Anh là những gương mặt sáng nhất của Điền kinh Việt Nam để giành vé dự Olympic trong 2 cuộc thi vào tháng 5 và 6-2012. Việc Trương Thanh Hằng liên tục cách chuẩn B cự ly 800m hơn 1 giây hoặc gần 1 giây, Dương Việt Anh chỉ cách chuẩn B nhảy cao nữ 2cm tưởng là khoảng cách dễ san lấp nhưng thực tế lại rất khó. Đã có người bi quan cho rằng thậm chí Điền kinh Việt Nam còn không giành được suất dự Olympic 2012 nào dù được đầu tư mạnh tay. Dù vậy, không ai mong muốn tình huống xấu ấy xảy ra và những HLV trực tiếp của các VĐV là những người có trách nhiệm chứng minh điều ngược lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầy gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.