(HNMCT) - Xao thu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) là tập thơ thứ 10 của nhà thơ Đàm Chu Văn. Tập thơ gồm 57 bài, dày dặn chất sống với ký ức và sự chiêm nghiệm, đằm sâu suy tư, trăn trở về cuộc đời.
Tập thơ không “gói” trong một phạm vi, đề tài nhất định mà mở rộng biên độ, từ mảng đề tài về chiến tranh cách mạng, người lính đến quê hương, lịch sử và tình yêu lứa đôi. Ở đề tài nào cũng có thể thấy nhà thơ Đàm Chu Văn giàu chất sống, dày vốn hiểu biết với phông văn hóa phong phú, một giọng thơ đầy nội lực, phản ánh chân thực đời sống, tình cảm với ngôn ngữ thơ giàu chất tạo hình, giọng điệu linh hoạt, đằm thắm, lắng sâu.
Tiếp nối các tập thơ trước, dễ thấy chất lính ngấm vào Xao thu một cách tự nhiên như hơi thở ấm nồng, nhưng ở độ chín đằm hơn và bộc lộ những thi ảnh mới lạ. Nhà thơ Đàm Chu Văn dựng lên không khí của cuộc chiến bằng những câu chuyện có thật với những con người cụ thể làm nền tảng cho sáng tác. Như mạch nguồn đã được khơi sẵn, những dòng thơ về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trở đi trở lại. Lời tri ân đồng đội với trái tim quặn thắt nhói đau bật ra thành thơ: “Đêm nghĩa trang/ mang mang mùi cỏ/ những người trai năm xưa dàn trận công đồn/ ngực ghì bộc phá/ súng trường mã tấu xông lên” (Những ánh nến ở nghĩa trang liệt sĩ).
Người đọc cảm nhận được sự trong trẻo vui tươi của anh lính trẻ mang trong mình lý tưởng, hoài bão khát khao cống hiến. “Lá ngụy trang mươn mướt xanh non/ quệt vào đôi má măng tơ các chàng lính trẻ/ lách chách, xập xòa lũ chim se sẻ/ ngó nghiêng cặp mắt xoe tròn...” (Với người tập bắn trên sân thượng cơ quan).
Thơ soi vào thế giới tâm hồn đẹp vô ngần của người chiến sĩ. Tình yêu đôi lứa đã hòa chung trong tình yêu quê hương. Tình yêu trong lửa đạn, nghĩa nặng tình sâu với mối tình sắt son, trong trắng: “Đi tìm anh/ chiếc áo dài băng trinh lời hẹn/ băng trinh tình em/ đằng đẵng phương trời anh đen ngòm bóng giặc/ em níu sắt son mà chắn ngọn gió hàn” (Lời hẹn áo dài).
Ở Xao thu, không ít bài lấy cảm hứng từ các chuyến đi như Trước hòn Phụ Tử ở Hà Tiên, Thăm lại Điện Biên, Có thể, Tìm nàng Tô Thị... Tập thơ phong phú về đề tài, đa dạng về thể thơ, có sự suy tư ẩn chứa sau ngôn từ giản dị, chân thực, có sức neo đậu trong lòng người.
Đàm Chu Văn luôn thao thiết, ân cần với quê. Một nông thôn mới bừng tươi khang trang, đẹp giàu trong Đón đợi Đăk Lua, Khúc ca về một dòng sông. Những sắc hoa thân thuộc nơi làng quê đi vào thơ với hình ảnh đẹp mang lớp nghĩa xa xăm, gợi tả niềm riêng trong cái chung như trong Gặp bông súng tím ở Hội An, Cúc họa mi, Hoa đậu biếc, Hoa nhài. Những kỷ niệm tuổi thơ nơi “chôn nhau cắt rốn” luôn được ông cất giữ trong lòng, thiêng liêng và trân quý: “Ngôi trường huyện nước gương trong soi bóng/ Suốt đời che bóng mát tâm hồn tôi” (Kính gửi lớp 10C).
Mang đến cho bạn đọc đầy đủ cung tầng cảm xúc, có sự chắt lọc hình ảnh, giọng thơ tinh tế mà giàu tính triết lý, Xao thu như ngọn gió heo may tràn ngợp lòng người, gợi nhớ ký ức, sự trăn trở suy tư, niềm riêng trước cuộc đời.
Dồi dào bút lực, nhà thơ của quê hương Thái Bình Đàm Chu Văn đã gặt hái được khá nhiều giải thưởng có giá trị như Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng (2009 - 2014); Giải thưởng Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1999, 2003; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.