Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu Xuân: Gặp người khởi tạo TTCK Việt Nam

Trọng Minh| 03/02/2011 08:02

(HNMO) - Tình cờ tôi lại gặp ông trong một quán cà phê ở góc phố Ngô Quyền, Hà Nội. Bên ly cà phê còn bốc hơi, ông trầm ngâm nhớ lại một thời “oanh liệt” của mình khi tham gia xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Ông là Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

(HNMO) - Tình cờ tôi lại gặp ông trong một quán cà phê ở góc phố Ngô Quyền, Hà Nội. Bên ly cà phê còn bốc hơi, ông trầm ngâm nhớ lại một thời “oanh liệt” của mình khi tham gia xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Ông là Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tôi rất nhớ hôm đó là một buổi chiều đầu năm 1991, - Ông Lê Văn Châu điềm đạm nói, - đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là Chủ tịch HĐBT) mời tôi và 3 bộ trưởng (gồm anh Đậu Ngọc Xuân, anh Đỗ Quốc Sam và anh Hồ Tế) lên trao đổi về các biện pháp tạo nguồn vốn cho nền kinh tế. Tất cả chúng tôi đều đề xuất cần sớm xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK), vì đây là cách duy nhất để đưa Đất nước vươn lên phát triển. Ngay sau đó, một số cơ quan bắt đầu tìm hiểu về TTCK, trong đó có Ngân hàng Nhà nước nhận nhiêm vụ nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong ký ức của tôi, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đầu tiên ủng hộ cho việc chuẩn bị xây dựng TTCK và tôi đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ trình bày phương án phát triển TTCK tại Việt Nam. Tôi vẫn nhớ, tại buổi họp đầu tiên để Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị về TTCK nguyên cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng đã hỏi tôi: “- Bây giờ đồng chí hãy nói cho Bộ Chính trị nghe, tại sao chúng ta là nước XHCN lại phải xây dựng TTCK?”. Còn đồng chí Đỗ Mười thì hỏi: “ Tính chất giai cấp của TTCK là gì?”. Câu hỏi thật khó, nhưng tôi nghĩ, với những câu hỏi này các đồng chí lãnh đạo đang nôn nóng muốn biết câu trả lời cụ thể của những người trực tiếp tham gia xây dựng TTCK như thế nào…


Ông Lê Văn Châu


Trước tình huống bất ngờ đó tôi đã trả lời: - Thưa các đồng chí, thực ra hôm nay tôi được giao nhiệm vụ báo cáo với BCT về “Đề án chuẩn bị và xây dựng và phát triển TTCK”, nhưng giờ các đồng chí đưa ra những câu hỏi ngoài sự chuẩn bị của tôi. Tuy nhiên, nhân câu hỏi này cho phép tôi được nói lên nhận thức của mình một cách ngắn gọn là: - Thực ra, TTCK là sản phẩm của loài người. Bất kỳ chế độ xã hội nào nếu biết vận dụng TTCK để tạo ra nguồn huy động vốn trung và dài hạn nhằm mục đích phát triển kinh tế thì TTCK sẽ đưa lại lợi ích phục vụ theo đúng mục tiêu và yêu cầu của chế độ xã hội đó. Việt Nam là nước XHCN, chúng ta hoàn toàn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng TTCK theo mô hình kinh tế thị trường, có định hướng XHCN để phục vụ cho nền kinh tế Đất nước… Sau buổi báo cáo hôm đó, các đồng chí trong BCT đã quyết tâm chỉ đạo xây dựng TTCK Việt Nam, nhưng làm cách nào để tạo ra hình hài của TTCK VN thì quả thật không đơn giản, phải đòi hỏi có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, và đây là vấn đề không thể một sớm, một chiều.

Ngày 6/11/1993, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định 207/QĐ – TCCB thành lập Ban Nghiên cứu & Phát triển thị trường vốn và ông Lê Văn Châu được giao trực tiếp chỉ đạo bộ phận này. Các thành viên trong Ban Nghiên cứu & Phát triển thị trường vốn lúc đó đều là những cán bộ ngân hàng giỏi, có kinh nghiệm như ông Nguyễn Đoan Hùng (hiện là PCT UBCK Nhà nước); Vũ Bằng ( hiện là Chủ tịch UBCK Nhà nước); Vũ Thị Kim Liên (hiện là PCT UBCK Nhà nước)… Họ cần phải tìm cách nhanh nhất tiếp cận với TTCK Thế giới để từ đó tìm ra hướng đi riêng cho Việt Nam.

Sau 6 năm nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 28/11/1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam chính thức được thành lập theo Nghị định 75 CP của Chính phủ, và ông Lê Văn Châu đã trở thành người đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch của cơ quan này, trong khi vẫn kiêm nhiệm vị trí Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Theo ông Lê Văn Châu, đề án cuối cùng về mô hình của TTCK Việt Nam được dựa chủ yếu vào khung, sườn của đề án đầu tiên do Ngân hàng nhà nước thực hiện. Mô hình của TTCK Việt Nam mang tính đặc thù riêng, không theo mô hình cụ thể của một quốc gia nào. Bản đề án xây dựng khung pháp lý cho thị trường đã đề xuất mở ra 2 Trung tâm giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP HCM) với định hướng là sẽ chuyển các đơn vị này thành công ty TNHH một thành viên rồi cổ phần hóa. Riêng về vị thế của UBCK Nhà nước cũng có nhiều ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng, UBCK Nhà nước nên thuộc Bộ Tài chính. Ý kiến khác thì bảo phải thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhưng cuối cùng đã được BCT, Chính phủ chấp thuận thành lập UBCK Nhà nước độc lập và là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Việc hình thành các cục, vụ của UBCK cũng có những thú vị. Rút kinh nghiệm từ mô hình quản lý của Mỹ và một số quốc gia khác, UBCK Nhà nước ban đầu được thành lập có 12 Vụ, Cục, nhưng điều quan trọng nhất chính là con người. Với phương châm tuyển chọn trí tuệ trẻ, cần cập nhật nhanh kiến thức nên ông Châu chỉ lấy nhân sự ở các Bộ, Ngành về làm nòng cốt. Còn lại chủ yếu chọn các cán bộ trẻ qua tuyển chọn công chức đầu tiên (khoảng gần 150 người). Tiêu chí của UBCK Nhà nước là phải chọn cán bộ giỏi, thông thạo ngoại ngữ và nghiệp vụ tài chính, ngân hàng. Vì vậy mới có chuyện trong đội ngũ của UBCK Nhà nước có những vụ trưởng, vụ phó chỉ trên dưới 30 tuổi. Trưởng, phó phòng có khi chỉ trên dưới 25 tuổi. Từ đội ngũ này mà tới nay ở UBCK Nhà nước đã phát triển lên hơn 200 cán bộ, góp phần tích cực vào việc phát triển TTCK Việt Nam được như bây giờ.


Mặc dù đã ngoài tuổi "cổ lai hy", ông Lê Văn Châu vẫn tham gia lanh đạo Hiệp hội CKVN


Tuy nhiên, thời gian đầu hoạt động của UBCK gặp nhiều khó khăn khi các Cty, DN tham gia niêm yết ít, cũng như số các nhà đầu tư chả đáng là bao. Lúc đó chúng tôi tập trung cho công tác đào tạo cán bộ, - Ông Châu nhớ lại, - Hầu hết nhân viên của UBCK đều được cử đi nước ngoài học tập, bởi ngành chứng khoán đòi hỏi phải tiếp cận với thị trường Thế giới thường xuyên. Trong nước chúng tôi đã mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo tại chỗ. Nhiều quốc gia đã tích cực giúp đỡ, đơn cử như Hàn Quốc đã tài trợ cho Việt Nam một dự án hơn 1 triệu USD, đồng thời đưa vào lắp đặt hơn 30 máy tính chuyên dụng tại Sở giao dịch chứng khoán giả định để học tập. Các chuyên viên của UBCK đều phải vào Sở GDCK để học cách khớp lệnh và tìm hiểu thị trường Thế giới. Nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Anh, Mỹ, Đức… đã tới dạy miễn phí,“cầm tay chỉ việc” cho cán bộ ta rất tận tình. Chưa bao giờ một ngành mới ra đời lại được sự giúp đỡ lớn như vậy… Mãi tới năm 2000, khi cụm từ “TTCK” đã phổ biến hơn thì số người tham gia thị trường vẫn rất ít. Lúc đó có người thấy khó khăn, đã khuyên ông Châu nên rời bỏ TTCK, nhưng ông vẫn kiên định đeo đuổi việc đặt nền móng cho TTCK Việt Nam, bởi ông cho rằng, nếu nền kinh tế thị trường mà không có TTCK thì không thể chấp nhận được…

Đến nay, sau hơn 10 năm phát triển, TTCK Việt Nam đã có những bước tiến khá dài với sự tham gia của hàng trăm DN niêm yết và hàng triệu nhà đầu tư lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Nhiều ngàn tỷ đồng đã được huy động, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho các DN niêm yết, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, sôi động hơn… Tuy nhiên, theo đánh giá của tiến sĩ Lê Văn Châu, với những kỳ vọng vào sự phát triển lâu dài của thể chế thị trường bậc cao này trong nền kinh tế Việt Nam thì mọi sự thành công mới chỉ là bắt đầu, và chúng ta mới qua được giai đoạn sơ khởi. “Vạn sự khởi đầu nan”, điểm khởi đầu nào cũng đầy khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng để vượt qua được thử thách, đem lại lợi ích cho Tổ quốc đang cần nhiều hơn đến sự nỗ lực của từng người, từng tập thể, DN và của cả xã hội, - Ông Châu khẳng định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu Xuân: Gặp người khởi tạo TTCK Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.