Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư trọng tâm cho phòng cháy, chữa cháy

Mai Hữu| 05/07/2021 07:21

(HNM) - Trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị của Thủ đô, Công an thành phố Hà Nội xác định sẽ đầu tư một số nội dung trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, sẽ giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy tại phường Long Biên (quận Long Biên). Ảnh: Tiến Thành

Từ năm 2018, sau khi sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội vào Công an thành phố Hà Nội, thành phố có 30 đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc công an 30 quận, huyện, thị xã; 6 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, 1 đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội).

Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố, phạm vi hoạt động của các đơn vị chữa cháy hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. “Theo quy định, bán kính phục vụ tối đa của đơn vị ở khu vực ngoại thành là 5km, nội thành là 3km. Thế nhưng, hiện có những địa bàn cách xa đơn vị chữa cháy phụ trách 20-25km”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.

Ngay trong khu vực nội thành, Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, khi địa bàn phường xảy ra cháy thì Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận Đống Đa sẽ là đơn vị đến chữa cháy bởi trụ sở của đơn vị này gần phường Giảng Võ hơn trụ sở của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận Ba Đình. Đây là thực tế đang diễn ra tại nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố khi bán kính chữa cháy không được bảo đảm.

Trước những khó khăn của việc bảo đảm khoảng cách chữa cháy, việc tổ chức phân đội thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Gia Lâm) là mô hình được đánh giá cao. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, ngoài đơn vị chính đặt tại xã Phú Thị, Công an huyện tổ chức 2 phân đội với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện tại khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao là xã Ninh Hiệp và xã Bát Tràng, qua đó giúp lực lượng chữa cháy nhanh chóng xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Một bất cập khác là trang thiết bị của chính lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp chưa được bảo đảm. Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, hiện mỗi đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị từ 3 phương tiện chữa cháy trở lên, tuy nhiên nhiều phương tiện đã có niên hạn hàng chục năm, nên thường xuyên hỏng hóc. Ngoài ra, các phương tiện bảo hộ khi chữa cháy tại 5 loại công trình mang tính đặc thù, đặc chủng: Nhà cao tầng, siêu cao tầng; chữa cháy công trình ngầm, hầm ngầm; chữa cháy rừng; chữa cháy các cơ sở hóa chất; chữa cháy trên sông; quần áo chống cháy, thiết bị chuyên dùng để bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ… còn thiếu.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, từ năm 2017 đến nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư khoảng 1.270 tỷ đồng để bảo đảm điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, do vẫn chưa bảo đảm yêu cầu nên Công an thành phố sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố quan tâm, có chính sách nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ phòng cháy, chữa cháy; đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Còn trước mắt, đầu tháng 7 này, Công an thành phố sẽ phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội rà soát, lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy tại một số quận, huyện, thị xã.

“Thời gian tới, Công an thành phố sẽ chú trọng đầu tư các trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật chữa cháy theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện, các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh việc số hóa phiếu chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, triển khai thí điểm hệ thống cảnh báo nhanh đối với từng loại hình cơ sở để tích hợp với trung tâm điều hành, chỉ huy của Công an thành phố. Đặc biệt, từ giữa tháng 7-2021, thành phố Hà Nội (cùng với thành phố Hải Phòng) sẽ thí điểm ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh, theo đề án của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông. Ứng dụng gồm các tính năng như một trạm báo cháy; chia sẻ tình trạng an toàn; cảnh báo sự cố cháy, nổ ở gần; tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy… sẽ phục vụ đắc lực cho Công an thành phố, giúp phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ, sự cố về cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô”, Đại tá Trần Ngọc Dương thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư trọng tâm cho phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.