Chương Mỹ là huyện cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này một địa hình đa dạng, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa có đặc trưng của vùng bán sơn địa với núi, sông, đồng bãi, hồ, hang động… cùng dệt nên bức tranh sơn thủy hữu tình.
Chương Mỹ được đánh giá là địa phương có sự phát triển đồng đều các ngành nghề, với cơ cấu kinh tế khá đồng đều với trục công nghiệp chiếm 40%, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ thương mại chiếm 33%, nông lâm ngư nghiệp chiếm 27%. Sản xuất công nghiệp của huyện dần đi vào thế ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Sự phát triển kinh tế-xã hội của Chương Mỹ luôn có sự đồng hành và đóng góp quan trọng của ngành Điện lực với việc đầu tư phát triển lưới điện “đi trước một bước”.
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, Chương Mỹ là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa với 32 di tích cấp quốc gia, 117 di tích cấp TP; trong đó có nhiều đền, chùa đẹp, linh thiêng như chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Hỏa Tinh, chùa Sấu... Chùa Trăm Gian - ngôi chùa cổ nổi tiếng được lập từ năm 1185 đời vua Lý Cao Tông, có giá trị to lớn về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Chương Mỹ có 32 xã, thị trấn thì có đến 23 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội đặc sắc như hội chùa Trăm Gian, hội chùa Trầm, hội làng Chúc Sơn, hội đình làng Quảng Bị... Chương Mỹ là quê hương của những làng nghề truyền thống như mây tre giang Phú Vinh; tạc tượng Long Châu; nón lá Văn Võ; thêu ren truyền thống Hồng Phong; rượu gạo Chi Nê; nem chạo Phụng Châu… Sản phẩm làng nghề Chương Mỹ đã và đang lan tỏa đến mọi miền đất nước, nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Từ năm 2008, sau khi sáp nhập về Hà Nội, lưới điện Chương Mỹ được cải tạo nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và với tiềm năng, lợi thế của mình, Chương Mỹ định hướng phát triển du lịch bền vững theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch làng nghề. Trong đó, tập trung xây dựng các khu cụm du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực Chúc Sơn, hồ Văn Sơn, hồ Đồng Sương, khu vực cảnh quan lưu vực sông Bùi; đầu tư các khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Trăm Gian - chùa Trầm; phát triển các tuyến du lịch làng nghề tại phía Bắc quốc lộ 6, tuyến du lịch sinh thái dọc phía Nam đường Hồ Chí Minh hiện trạng, tuyến du lịch văn hóa cộng đồng dọc sông Đáy; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội phát triển du lịch gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái, làng nghề truyền thống.
Được cung cấp điện ổn định, sản xuất công nghiệp của huyện dần đi vào thế ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, các ngành nghề tiểu thủ công cũng từng bước phát triển, huyện có khoảng 20 làng nghề trong đó nghề đan mây, tre, giang xuất khẩu là thế mạnh của huyện. Với những phát triển như trên, huyện Chương Mỹ đã phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp kết hợp với sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Kinh tế Chương Mỹ phát triển lại là điều kiện cho Công ty Điện lực Chương Mỹ đạt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh. Năm 2015, Công ty Điện lực Chương Mỹ đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao với sản lượng điện thương phẩm đạt 102,2% , tổn thất điện năng thấp hơn kế hoạch giao 0,54%, doanh thu bán điện đạt 102,7% và giá bán điện bình quân cao hơn kế hoạch giao 5,92đ/kWh.
Trước năm 2009, phần lớn khách hàng mua điện qua các hợp tác xã, lưới điện cũ, thiếu, yếu, hạ thế đến 95% dây trần, thường xuyên quá tải; cắt điện luân phiên, mất điện qua đêm thậm chí nhiều ngày trở thành phổ biến. Từ năm 2009, trên 62 hộ được tiếp nhận bán lẻ; sau tiếp nhận công ty đầu tư 133 công trình, giá trị 47.3 tỷ đồng, cải thiện được một phần công tơ, hòm công tơ, nguồn vào công tơ và các vị trí không an toàn, Đi đôi với tiếp nhận, công ty khắc phục một phần các điểm xung yếu trên lưới trung áp, tình trạng mất điện nhiều ngày, mất điện qua đêm đã không còn.
Từ năm 2011, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tăng cường đầu tư củng cố lưới điện cho Chương Mỹ, theo đó, cải tạo nâng cấp các đường dây trung, hạ áp nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao. Năm 2012, 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đầu tư mới và sửa chữa củng cố lưới điện cho huyện Chương Mỹ với tổng mức đầu tư 1.101,5 tỷ đồng, theo đó, dành cho cải tạo nâng cấp đường dây trung áp, thay thế đường dây hạ áp, sửa chữa trạm biến áp… khoảng 47 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới 175km đường dây trung áp, xây mới 123 trạm biến áp phân phối, bổ sung 148km đường dây hạ áp,…hiện nay, nguồn 110kV trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ có trạm 110kV Xuân Mai. Các nguồn 110kV khác như trạm 110kV Vân Đình, Phùng Xá, Ba La, Thanh Oai đều được cấp qua các ranh giới đo đếm liên huyện. Nhưng tỉ lệ mang tải của các trạm 110kV trên đều cao, công suất cấp tải cho huyện Chương Mỹ thấp, do vậy trong trường hợp sự cố trạm 110KV Xuân Mai thì việc cấp điện từ trạm 110KV ngoài huyện là rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2016 đến năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đầu tư xây dựng đường dây và Trạm trung gian 110kV Phú Nghĩa công suất 40MVA với tổng mức đầu tư 155 tỷ đồng; đường dây và Trạm trung gian 110kV Chương Mỹ có công suất 40 MVA, tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng; đường dây và Trạm biến áp trung gian 110kV Miếu Môn công suất 40 MVA và tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng; xây dựng mới, cải tạo lưới điện trung hạ thế huyện Chương Mỹ (vốn KFW), tổng mức đầu tư 57.5 tỷ đồng.
Riêng năm 2016, Công ty Điện lực Chương Mỹ được giao 8 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 43,6 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án chống quá tải (xây dựng mới 12 TBA), 01 dự án cải tạo lưới điện hạ thế (Cải tạo hạ thế lưới điện khu vực Tân Tiến, Mỹ Lương); xây dựng mới 13 TBA thuộc các Xã Phú Nghĩa, Chúc Sơn, Lam Điền, Đồng Lạc, Quảng Bị, Hữu Văn, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Quảng Bị tác dụng giảm bán kính cấp điện và giảm tải cho các TBA bằng nguồn vốn KFW; xây dựng mới 5 TBA thuộc các xã Tốt Động, Hữu Văn, Mỹ Lương, Xuân Mai tác dụng giảm bán kính cấp điện và giảm tải cho các TBA bằng nguồn vốn DEP 3; sửa chữa lớn với tổng mức đầu tư là 7,13 tỷ đồng.
Với việc đầu tư phát triển lưới điện giai đoạn 2016-2020, ngành Điện đã thiết thực góp phần quan trọng thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đưa Chương Mỹ trở thành huyện: Năng động về kinh tế, phát triển về văn hoá - xã hội, ổn định về an ninh chính trị, vững mạnh về quốc phòng, góp phần cùng với Thủ đô Hà Nội và cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.