(HNMCT) - Trong những năm gần đây, giới làm phim hoạt hình đã có nhiều thay đổi về phong cách làm phim, phong cách dàn dựng, đặc biệt là có sự đầu tư bài bản cho những đề tài lịch sử hoành tráng hay câu chuyện dễ thương, gần gũi với đời sống. Tuy vậy, đưa phim hoạt hình ra rạp, thu hút đông đảo người xem trên các nền tảng trực tuyến... vẫn là ước mơ và là đích đến đầy gian nan của những nhà làm phim, đặc biệt là trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình giải trí khác.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hãng Phim hoạt hình Việt Nam:
Chủ động quảng bá phim hoạt hình trên mạng xã hội
Mỗi năm Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất 220 phút phim; mỗi phim 10 phút, một vài phim lịch sử dài 30 phút. Sau khi được hội đồng duyệt phim thông qua, Cục Điện ảnh cấp phép, chúng tôi tổ chức công chiếu rộng rãi vào dịp Tết và dịp hè, trên kênh VTVgo của Đài Truyền hình Việt Nam. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực ở cả trong và ngoài nước, luôn cố gắng tiếp cận nhiều hơn với khán giả bằng cách đưa phim lên YouTube hay các trang mạng xã hội khác. Có những phim đạt tới mấy chục triệu lượt view, chứng tỏ khán giả nước nhà cũng đón nhận phim hoạt hình một cách tích cực.
Bên cạnh đó, Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng đang thực hiện một số giải pháp nhằm làm cho phim hoạt hình phong phú hơn, có thể đan xen giữa đồng thoại và cổ tích hay làm các sê-ri hoạt hình dài tập để các em có thể tiếp cận nhân vật có chiều sâu. Trung bình mỗi năm có 2 - 3 phim bộ hoạt hình như vậy, tiêu biểu như “Ngôi sao xanh kỳ lạ”, “Hiệp sĩ Nghé vàng”, “Chú ốc sên bay”, “Thám tử đầu bạc”...
Mục đích của việc đưa các bộ phim hoạt hình lên mạng YouTube là để giới thiệu, quảng bá. Trước đây, khá lâu rồi, cũng có phim thu hút lượng truy cập rất cao, ví dụ như phim “Bố của gà con” - được trao giải nhất tại Liên hoan phim Việt Nam - Hàn Quốc do Cục Điện ảnh tổ chức - đạt 60 triệu lượt view. Mới đây, chúng tôi lại đưa phim lên, sau gần một năm đã có hơn 29 triệu lượt view. Đây là bộ phim mang tính xã hội, giáo dục nhẹ nhàng nhưng hài hước, dí dỏm nên các em nhỏ rất thích.
Hay bộ phim “Anh và em” của đạo diễn Trần Khánh Duyên đã thu hút hơn 31 triệu lượt xem. Các em có thể không xem một lần mà xem đi xem lại và chia sẻ với bạn bè. Câu chuyện về những con vật quen thuộc đã chạm tới sở thích, tâm sinh lý của trẻ em. Tôi nghĩ, những đề tài quen thuộc nhưng chúng ta có cách kể hấp dẫn, những câu thoại dí dỏm, động tác, tình huống hài hước, đặc biệt là quan tâm đến tâm sinh lý đón nhận, độ tuổi... sẽ giúp chúng ta tiếp cận với các em tốt hơn.
Hiện nay, có rất nhiều phim hoạt hình được giới thiệu trên mạng xã hội, nhưng tôi khẳng định rằng phim hoạt hình Việt Nam đã có dấu ấn riêng. Bên cạnh việc đề cao tính chuyên nghiệp, chúng tôi cố gắng khai thác những đề tài đương đại mang tính giải trí, cách thể hiện nhẹ nhàng, khác với trước đây là những bài học thường khá nặng nề. Bên cạnh đó, hình ảnh cũng phải đẹp, sinh động thì mới thu hút được khán giả. Với phim hoạt hình, chúng tôi ưu tiên những người làm phim trẻ, cách diễn xuất trẻ trung. Vấn đề bản sắc dân tộc cũng rất quan trọng, bởi chúng ta đang xây dựng những câu chuyện hoạt hình của Việt Nam, bối cảnh rất Việt Nam, chứ không lai căng với Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ... Đó chính là nét riêng của phim hoạt hình Việt Nam.
Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Minh Trí:
Cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa
Phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà dành cho tất cả mọi người. Có nhiều bộ phim về vấn đề xã hội dùng ngôn ngữ hoạt hình rất sâu sắc. Hiện tại, chúng ta chưa có nhiều kịch bản phim hoạt hình chất lượng đủ để có thể đưa vào sản xuất và mang đi chiếu rạp. Kịch bản ấy phải đủ dày, đủ chất liệu để xây dựng nhân vật với mọi cung bậc cảm xúc. Có lẽ chúng ta chưa đủ kinh nghiệm để hoàn chỉnh một kịch bản như vậy.
Khi xem những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của thế giới như “Kung Fu Panda”, “Vẹt Rio”... mới thấy rõ những chi tiết, sự kiện, tâm lý, cả màn vũ hội hóa trang của Brazil ở trong phim khiến người xem vô cùng thích thú, chứng tỏ sức tưởng tượng của họ rất phong phú. Trong khi chờ những kịch bản phim hoạt hình dài tập, chúng ta có thể khai thác những bộ phim ngắn, dung lượng khoảng 4 - 5 phút, không tốn tiền nhưng cần chất xám, ý tưởng. Rất nhiều vấn đề xã hội được đề cập ngắn gọn, sâu sắc khiến người xem nhớ lâu.
Những người làm phim hoạt hình bây giờ có điều kiện hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều về mặt kỹ thuật, hiệu ứng. Nhưng nếu muốn làm hay, sinh động như phim của nước ngoài thì chúng ta phải mua bản quyền phần mềm. Nếu mua thì phải làm nhiều, còn nếu chỉ đầu tư cho một phim thì kinh phí bỏ ra để mua phần mềm quá đắt. Muốn ra thế giới thì chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề bản quyền. Như vậy, muốn làm một bộ phim ra rạp thì phải chuẩn bị về hạ tầng vững chắc hơn nữa.
Tôi ghi nhận sự nhanh nhay, tài năng của các bạn trẻ. Nhưng trong “cuộc chơi” với phim hoạt hình, để có thể sánh vai với các nước trong khu vực, chưa nói đến việc cạnh tranh với các nền điện ảnh phát triển, cũng khắc nghiệt lắm. Họ cũng được tiếp xúc liên tục với công nghệ làm phim hoạt hình của Hollywood. Chúng ta cũng có đội ngũ ấy nhưng chưa thực sự tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện ước mơ.
Đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn:
Cố gắng đưa phim hoạt hình ra rạp
Khi đưa phim ngắn “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” giới thiệu đến công chúng, chúng tôi muốn thăm dò nhu cầu, cảm xúc của khán giả. Đó là một bộ phim tình huống, bản demo dự án “U Linh Tích Ký” của chúng tôi liên quan tới một dự án dài hơi. Trước khi thực hiện bộ phim này, đội ngũ làm phim đã dành một khoảng thời gian dài, tính bằng năm, để phát triển “thế giới của mình” trong phim (Linh giới) với những cảnh quay về sinh vật, về thành phố.
Việc thực hiện phim demo ngắn là để chúng tôi xác định mình đang làm cái gì, cảm xúc của khán giả ra sao. Từ đây chúng tôi sẽ xây dựng 3 phần phim “U Linh Tích Ký”, mục tiêu là hoàn thành mỗi phần vào các năm 2025, 2028 và 2030. Năm 2032 chúng tôi sẽ sản xuất seri “U Linh Tích Ký” 10 tập. Năm 2035 chúng tôi sẽ hoàn thiện phim dài “Hành trình nhân quả”. Chúng tôi muốn làm những bộ phim hoạt hình nhiều tầng ý nghĩa, không chỉ dành cho trẻ em mà người lớn cũng có thể xem được. Đó là hệ sinh thái phim hoạt hình thuần Việt.
Tôi luôn lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian, đặt trong nhiều trường đoạn cụ thể và đưa nó làm chất liệu cho phim hoạt hình. Hành trình với “U Linh Tích Ký” cũng chính là sự chia sẻ của tôi với những người yêu hoạt hình Việt Nam. Bởi với tôi, tình yêu với phim hoạt hình có từ khi 9 - 10 tuổi. Ước mơ ấy cứ lớn dần trong tôi. Đây cũng là lĩnh vực mới và có nhiều bạn trẻ cũng đam mê giống mình, giống như những ngọn lửa nhỏ. Tôi cố gắng gom những ngọn lửa ấy, nhân lên để làm những bộ phim hoạt hình chiếu rạp, đưa hoạt hình đến với nhiều khán giả trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.