(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa có báo cáo đánh giá trang, cổng thông tin điện tử và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan nhà nước - CQNN) năm 2011.
Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Huyền Linh
Trong việc đánh giá mức độ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website của các CQNN, người dân có vai trò trung tâm và do vậy việc đánh giá dựa trên tiêu chí đề cao tính thuận tiện, dễ tìm, dễ sử dụng và thuận lợi cho tất cả người sử dụng. Bên cạnh các tiêu chí đánh giá (xác định theo các quy định), Bộ TT-TT cũng bổ sung một số tiêu chí về việc bảo đảm an toàn thông tin đối với hệ thống, thông tin cá nhân của người dân và DN khi tham gia dịch vụ công trực tuyến. Có 15 tiêu chí được chọn làm căn cứ, thêm nữa còn dựa vào mức độ truy cập website dựa trên số truy cập trên toàn thế giới do Alexa cung cấp. Ở tiêu chí này, website của tỉnh An Giang dẫn đầu trong số 63 tỉnh, thành phố (năm 2010 đứng thứ 8) và cũng là địa phương đoạt 1 trong 10 giải về ứng dụng CNTT năm 2011 do Bộ TT-TT vừa trao tặng ngày 19-6. Tiếp sau An Giang là TP Đà Nẵng xếp thứ 2 (năm 2010 xếp thứ 5), Thừa Thiên - Huế xếp thứ 3 (năm 2010 xếp thứ 1). Cổng giao tiếp điện tử của Hà Nội đứng thứ 19 (năm 2010 đứng thứ 9). Ở khối bộ, ngành, website của Bộ TT-TT đứng thứ 1 (năm 2010 đứng thứ 2) - đoạt giải về ứng dụng CNTT năm 2011; trang web của Bộ Công thương đứng thứ 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thứ 3.
Với phương pháp đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT trong CQNN được xếp theo 4 nhóm tiêu chí là hạ tầng kỹ thuật CNTT, triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng cơ chế chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT và nhân lực cho ứng dụng CNTT. Trong đó, triển khai ứng dụng CNTT được đánh giá theo 2 nhóm thành phần là triển khai ứng dụng nội bộ và triển khai ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN. Căn cứ theo các tiêu chí xếp hạng này, TP Đà Nẵng dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng CNTT tại địa phương (năm 2010 đứng thứ 2), tiếp theo là An Giang và Thừa Thiên - Huế. Ở chỉ tiêu này, Hà Nội lại thụt lùi ở vị trí thứ 19 (năm 2010 đứng thứ 9). Ở khối các bộ, ngành thì Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đầu về ứng dụng CNTT tại đơn vị - đoạt 1 trong 10 giải về ứng dụng CNTT năm 2011; tiếp sau là các bộ Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đến đây chắc hẳn nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Hà Nội lại đứng vị trí khá xa (đều đứng thứ 19) so với top đầu như vậy cả ở bảng xếp hạng về website (gồm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến) lẫn xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT của địa phương? Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những lý do khách quan lẫn chủ quan mà nguyên nhân bắt nguồn là do việc hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội. Liệu "vin" vào cớ này có hợp lý không khi mà theo số liệu công bố của bảng xếp hạng website thì năm 2008 (thời điểm hợp nhất) Hà Nội đứng vị trí thứ 4; năm 2009 đứng thứ 2; năm 2010 đứng thứ 9 và năm 2011 đứng thứ 19. Còn ở bảng xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT thì năm 2010 Hà Nội đứng thứ 9; năm 2011 đứng thứ 19 như đã nói ở trên. Với các số liệu như năm trên cho thấy, theo thời gian Thủ đô của chúng ta ngày càng thụt lùi trong lĩnh vực ứng dụng CNTT. Trong khi đó, theo số liệu của Sở TT-TT, hết năm 2011, Hà Nội đã triển khai xong hạ tầng mạng diện rộng (WAN) kết nối từ Thành ủy, UBND TP tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 51/54 điểm đã có dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến và dịch vụ truy nhập internet tốc độ cao; 577 xã, phường, thị trấn được đầu tư hạ tầng mạng WAN; 60 website của các sở, ngành, quận, huyện bắt đầu hoạt động; 100% đơn vị sử dụng phần mềm một cửa; hơn 80% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản; 90% cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính... Trong số 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, có 50% đơn vị đủ máy tính cho cán bộ, công chức, số còn lại mỗi đơn vị có 5-7 chiếc. Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội có hàng chục vạn lượt truy cập mỗi ngày… Đầu tư mạnh cho ứng dụng CNTT như vậy, tại sao Hà Nội lại xếp hạng thứ 19 về ứng dụng CNTT?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.