(HNMO) – Trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang châu Phi. Ngoài những doanh nghiệp Nhà nước có tiềm lực tài chính lớn, hiện có thêm những công ty tư nhân quan tâm đến thị trường tiềm năng này.
Theo số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực đầu tư tại châu Phi ngày một đa dạng hơn. Từ năm 2002 đến tháng 8/2012, tổng số vốn FDI của Việt Nam sang châu Phi đã đạt 711 triệu USD. Theo chiều ngược lại, các nước châu Phi cũng bắt đầu đầu tư vào Việt Nam nhưng tổng số vốn còn rất thấp, chỉ đạt 67,76 triệu USD.
Đầu tư sang châu Phi mạnh nhất là lĩnh vực dầu khí
Tính đến tháng 8/2012, Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Phi, với tổng vốn đầu tư đạt 711 triệu USD. Nếu như trước đây, chỉ có Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư tại An-giê-ri trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường châu Phi với các lĩnh vực đầu tư đa dạng.
Mặc dù vậy, lĩnh vực dầu khí vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất về lượng vốn đầu tư với các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại An-giê-ri (224,9 triệu USD), Madagascar (117,3 triệu USD) và tại CH Congo (15,3 triệu USD). 3 dự án này chiếm tới 50% tổng số vốn đầu tư của Việt Nam sang châu Phi và do Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên thuộc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư.
Tiếp đến là dự án hợp tác đầu tư mạng điện thoại di động tại Cộng hòa Mozambique của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel với tổng số vốn 493,79 triệu USD, trong đó Viettel đóng góp 345,6 triệu USD. Đây là dự án đầu tư đầu tiên của Viettel tại châu Phi.
Mặt khác, Angola thu hút được 6 dự án đầu tư của Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, đồ uống đóng chai, với tổng giá trị 4,53 triệu USD. Các doanh nghiệp đầu tư chính sang Angola là Công ty TNHH T&T, Công ty TNHH thương mại Thành Đô, Công ty TNHH Hữu nghị Quốc tế.
Tại Nam Phi, Việt Nam có 2 dự án trong đó có Công ty cổ phần Thiên Minh Đức đầu tư trong lĩnh vực trồng cây xanh và phát triển du lịch sinh thái với tổng số vốn 715.000 USD và dự án của Công ty cổ phần XNK Việt Trang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sơ chế gỗ xuất khẩu và kinh doanh siêu thị với số vốn 950.000 USD.
Bên cạnh đó, tại Ghana, Việt Nam có một dự án khai thác mỏ đá, sản xuất và kinh doanh đá granite làm vật liệu xây dựng với chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Bình Hưng Thịnh. Tại Tanzania, Công ty TNHH Cơ khí An Việt Cường và Công ty TNHH Thương Mại Thiên Phú có chung 1 dự án cung cấp dịch vụ khai thác vàng, cho thuê máy móc, thiết bị, công nghệ với số vốn đầu tư 300.000 USD. Tại Cameroon, Việt Nam có một dự án liên doanh khai thác và chế biến gỗ, vàng và khoáng sản với tổng số vốn 905.714 USD, trong đó công ty Việt Nam đóng góp 443.800 USD. Tại Mauritius, Công ty TNHH Hóa dược Vedic Fanxipăng đã đầu tư 1 dự án thu mua và kinh doanh các sản phẩm từ cây Artemisia Annua với số vốn 20.000 USD.
Đầu tư của châu Phi vào Việt Nam còn khiêm tốn
Đến nay, đã có 7 quốc gia châu Phi đầu tư vào Việt Nam là Seychelles, Maroc, Nigeria, Mauritius, Ai Cập, Kenya và Siera Leon. Mặc dù có tới 37 dự án, song tổng số vốn chỉ đạt 67,76 triệu USD tức là chưa bằng 10% tổng vốn FDI của Việt Nam sang châu Phi. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú và tư vấn.
Nhìn chung, đa số các dự án tập trung tại các tỉnh thành phía Nam có cơ sở hạ tầng phát triển như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Đứng đầu trong danh sách đầu tư vào Việt Nam là Cộng hòa Seychelles với 7 dự án, tổng số vốn là 28,63 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chính của Seychelles gồm sản xuất bê tông trộn sẵn, các sản phẩm từ bê tông, xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất băng keo và các nhãn hàng bằng nhựa, sản xuất và gia công các sản phẩm lò xo dùng trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến và đóng hộp thủy sản, rau quả, ngũ cốc…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.