(HNM) - Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc quản lý hiệu quả đầu tư công sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Song trên thực tế, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng vốn ngân sách.
Tập trung nguồn vốn đầu tư có chọn lọc, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn ngân sách là một trong những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đây là những nội dung được thảo luận tại hội thảo "Kiểm toán hiệu quả đầu tư công" do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hiệp hội kế toán công chức Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 8-8 tại Hà Nội.
Thực hiện quy trình kiểm toán thực tế tại một công trường xây dựng. Ảnh: Phạm Hậu |
"Đói" vốn vì đầu tư dàn trải
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, trong những năm gần đây Chính phủ đã dành một nguồn lực đáng kể phục vụ đầu tư phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Thống kê cho thấy, tổng số vốn đầu tư phát triển của nước ta đã tăng từ 115 nghìn tỷ đồng (năm 2000) lên mức hơn 400 nghìn tỷ đồng (năm 2010). Song trên thực tế, hiệu quả đầu tư công (ĐTC) chưa được như mong muốn. Theo nhận xét của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ĐTC ở nước ta đang trong tình trạng dàn trải ghê gớm. Thay vì phải dành mọi tiềm lực quốc gia để cạnh tranh với các nền kinh tế khác nhằm thu hút thêm vốn đầu tư, giữa các địa phương lại diễn một cuộc đua quyết liệt nhằm giành được nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Hệ quả là với quy mô GDP khoảng 130 tỷ USD, nền kinh tế nước ta có tới 100 cảng biển, 28 sân bay, 100 ngân hàng thương mại, 15 khu kinh tế (KKT) ven biển, gần 30 KKT cửa khẩu, hơn 280 khu công nghiệp (KCN) và khoảng 700 cụm công nghiệp. 10 năm vừa qua (2001-2010), nước ta có thêm 233 trường đại học, cao đẳng, tương đương mỗi tháng có thêm hai trường. Cùng thời gian này, mỗi tháng đất nước có thêm một khu đô thị mới. Số liệu trên cho thấy thực trạng cả nước có quá nhiều ngân hàng, sân bay, cảng biển, KKT. Sự dư thừa này đã khiến tỷ lệ lấp đầy của các KCN chỉ đạt khoảng 46% và các KKT ven biển là 15-20%...
TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm khoa học, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, với tư duy "nhiệm kỳ", cục bộ địa phương, các tỉnh, thành đã trở thành những pháo đài khép kín, thiếu tính gắn kết. Điều này đã khiến cả nước biến thành 63 nền kinh tế phân tán, rời rạc từ đó dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún. Vốn ít, dự án quá nhiều và năng lực quản lý hạn chế đã dẫn đến thực trạng, nhiều dự án xây dựng dở dang nhưng không đủ vốn để hoàn thiện, gây thất thoát, lãng phí một lượng lớn ngân sách.
Xác định tọa độ đầu tư
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, với nguồn lực quốc gia còn hạn chế hiện nay, việc ĐTC sao cho hiệu quả đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu rót vốn dàn trải cho quá nhiều dự án mà quản lý không chặt chẽ sẽ khiến hiệu quả sử dụng vốn thấp, từ đó gây ra thất thoát, lãng phí. Theo TS Trần Đình Thiên, so sánh với chi phí xây dựng đường cao tốc ở một số quốc gia sẽ thấy chi phí tại Việt Nam luôn quá cao. Cụ thể, Mỹ chi khoảng 5,8 triệu USD/km, 4 làn xe. Indonesia: 5,5 triệu USD/km, còn chi phí xây đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là 9,9 triệu USD/km, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là 18,3 triệu kilômét…
Để nguồn vốn ĐTC được phân bổ hiệu quả, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này đóng vai trò rất quan trọng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi Luật ĐTC, Luật Mua sắm đấu thầu, cần triệt để thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát độc lập thông qua việc nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong toàn bộ quá trình thực hiện ĐTC. Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong từng khâu: đầu tư, thiết kế, thẩm định và thi công tại những dự án sử dụng vốn ngân sách nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Xác định những "tọa độ đầu tư" để rót vốn hiệu quả, đúng mục đích đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả ĐTC. TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc rót vốn phải có lộ trình, trong đó cần cân nhắc kỹ những vùng ưu tiên theo mô hình đặc khu kinh tế. Mô hình này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công như: Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây phải là khu vực gần cửa khẩu, có thể dễ dàng kết nối giữa các vùng kinh tế cũng như với thế giới. Những đặc khu này phải có hạ tầng tốt và những cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Tại mỗi đặc khu cũng cần có những "tọa độ ưu tiên". Đơn cử, dải đất miền Trung dù có địa thế rất đẹp nhưng cũng chỉ nên chọn một vài "tọa độ" như: Đà Nẵng, Huế hay Nha Trang… để tập trung rót vốn. Điều này sẽ giúp tạo ra những đặc khu kinh tế có hạ tầng, chính sách đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến kinh doanh, qua đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.