Thể thao

Đầu tư cho vận động viên trọng điểm: Không chỉ là vấn đề tiền ăn

Minh An 02/03/2024 - 06:11

Trước mỗi kỳ cao điểm chuẩn bị cho các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, ngành Thể thao Việt Nam thường áp dụng chế độ bồi dưỡng đặc thù cho những huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) trọng điểm.

Lần này, từ đầu tháng 2-2024, ngành Thể thao áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho 89 HLV, VĐV giành vé hoặc đang trong hành trình giành vé dự Olympic 2024. Dù vậy, đây chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết để hoàn thành mục tiêu.

z5194334317987_a1488f922fb0.jpg
Tay vợt bóng bàn Nguyễn Anh Tú (áo vàng) trong danh sách các vận động viên được nhận chế độ dinh dưỡng đặc thù của ngành Thể thao chuẩn bị cho vòng loại Olympic Paris 2024. Ảnh: Minh Chiến

Mức bồi dưỡng đặc thù cho "gà nòi"

Theo Thông tư 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với thể thao thành tích cao, các HLV, VĐV được hưởng chế độ dinh dưỡng là 320.000 đồng/người/ngày khi tập trung đội tuyển quốc gia. Mức chi đối với HLV, VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, ASIAD và Olympic là 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày. HLV, VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành Huy chương Vàng tại ASIAD, Olympic trẻ, đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.

Việc thực hiện chế độ nói trên tiêu tốn một phần đáng kể trong khoản kinh phí phân bổ cho ngành Thể thao. Người trong ngành muốn áp dụng chế độ này trong cả năm nhưng rõ ràng là với nguồn kinh phí được phân bổ khoảng hơn 700 tỷ đồng dành cho hàng loạt khoản chi (tiền công, tiền ăn, tập huấn, thi đấu, thuê chuyên gia, y tế...) thì ngành phải đặt ra thời điểm áp dụng cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế.

Vì vậy, phải đến đầu tháng 2-2024, chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày mới được áp dụng cho 89 HLV, VĐV chuẩn bị cho vòng loại Olympic cũng như thi đấu chính thức tại Olympic Paris (Pháp) năm 2024 ở các môn: Bơi, xe đạp, bắn súng, cầu lông, cử tạ, canoeing, rowing, taekwondo, judo, bắn cung, điền kinh, thể dục dụng cụ, boxing, bóng bàn. Đây là những môn đã có VĐV giành vé hoặc đang có cơ hội giành vé chính thức dự Olympic 2024.

Trong số nói trên, các HLV và VĐV đã có suất dự Olympic 2024 (môn bơi, xe đạp, bắn súng) hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù từ ngày 1-2-2024 đến ngày tham dự thi đấu tại Olympic 2024. HLV, VĐV các môn khác thì hưởng chế độ đến ngày hoàn thành vòng loại Olympic 2024.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (TDTT) Đặng Hà Việt cho rằng, thể thao Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giành tối thiểu 12 suất chính thức dự Olympic 2024. Việc áp dụng chế độ dinh dưỡng nói trên nhằm tiếp thêm động lực cho các HLV, VĐV hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Trong danh sách trên, có khoảng 30 gương mặt được dự báo tiệm cận trình độ đủ để tranh vé chính thức dự Olympic 2024.

Còn cần những điều kiện khác

Theo các chuyên gia thể thao, chế độ dinh dưỡng dù quan trọng nhưng không thể coi nhẹ nhiều phần việc khác, chẳng hạn như tạo điều kiện cho VĐV thi đấu quốc tế liên tục, chăm sóc y tế... Trong vài năm qua, việc thi đấu quốc tế của các VĐV trọng điểm đã được cải thiện đáng kể. Các bộ môn thuộc Cục TDTT cũng như các Liên đoàn thể thao quốc gia, các đơn vị chủ quản của VĐV cũng chủ động dồn kinh phí để VĐV được thi đấu quốc tế. Tất nhiên, việc này chỉ đáp ứng được nhu cầu thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ, tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới của 1 - 2 VĐV thuộc mỗi bộ môn. Trong khi đó, mỗi môn cần có ít nhất 6 - 8 VĐV thường xuyên thi đấu quốc tế nhằm mang đến nhiều cơ hội tranh huy chương ASIAD hay tranh vé dự Olympic của từng bộ môn.

Ngoài ra, lâu nay, hầu hết các đội tuyển quốc gia chưa thể giải quyết triệt để yêu cầu có đội ngũ chuyên gia y tế lo việc hồi phục, điều trị chấn thương, nâng cao thể lực cho VĐV; trong danh sách tập trung các đội tuyển quốc gia cũng không có hạng mục về chế độ dành cho bác sĩ.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra là ngành Thể thao cần tham mưu để các bộ, ngành liên quan hiểu về yêu cầu đặc thù của các đội tuyển thể thao nhằm có sự đầu tư mạnh mẽ, toàn diện cho các đội. Theo HLV Nguyễn Như Cường (đội tuyển boxing nữ quốc gia), việc có chuyên gia y tế theo đội tuyển mang đến hiệu quả rõ rệt trong quá trình tập luyện, thi đấu của VĐV. Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý, đó là ngay cả khi VĐV được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày mà không có phương án sử dụng đúng cách thì cũng không đạt được hiệu quả cần thiết. Hiện tại, các đội tuyển không có chuyên gia dinh dưỡng phù hợp với đặc thù của từng môn và đây là vấn đề đã được đề cập tại hội thảo về định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 - diễn ra vào cuối năm 2023.

Chế độ dinh dưỡng của HLV, VĐV đang ngày càng được quan tâm hơn. Tuy vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư thì cần chú ý đến các yếu tố khác mà trước mắt là vấn đề kiện toàn đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho vận động viên trọng điểm: Không chỉ là vấn đề tiền ăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.