Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho tương lai

Nguyễn Hạnh - Phương Hoàn| 25/06/2010 07:18

(HNM) - Thời gian gần đây, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc (TBG) vào chẩn đoán, chữa bệnh ở Việt Nam là một trong những trọng tâm được các cơ quan nghiên cứu, bệnh viện triển khai trên diện rộng. Đến nay, nước ta đã có thể cấy ghép TBG tạo máu lấy từ tủy xương, ghép TBG tạo máu được huy động từ tủy xương ra máu ngoại vi, ghép TBG tạo máu từ máu dây rốn trẻ sơ sinh... Tuy nhiên, để có những thành công đó là một sự nỗ lực lớn của các nhà khoa học hiện đại.

Kiểm tra mẫu máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Linh Tâm


Tiền đề vững chắc

So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam tiếp cận với công nghệ TBG khá muộn nhưng điều đó cho phép các nhà khoa học nước ta tiếp cận thẳng đến những công nghệ hiện đại. Năm 1995, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh tiến hành ca ghép TBG tạo máu đầu tiên điều trị cho bệnh nhân bị các bệnh về máu, mở ra hướng đi mới cho nghiên cứu, ứng dụng TBG vào chữa bệnh ở Việt Nam. Năm 1998, các nhà khoa học đã thực hiện thành công các kỹ thuật cơ bản từ cấy ghép TBG tạo máu lấy từ tủy xương đến ghép TBG tạo máu được huy động bởi tủy xương ra máu ngoại vi và ghép TBG tạo máu lấy từ dây rốn trẻ sơ sinh. Việc cấy ghép cũng đã thực hiện với các trường hợp ghép tự thân như ghép khác gen đồng loài từ người này sang người khác... Từ thành công này, đến nay, cả nước đã có nhiều cơ sở nghiên cứu, ứng dụng TBG tạo máu để điều trị bệnh như Bệnh viện Trung ương (TƯ) Huế, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện TƯ Quân đội 108… Nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học khác cũng đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng TBG như ĐH Y Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh…

Từ điểm đột phá là ứng dụng trong ngành huyết học, đến nay, các nghiên cứu về TBG còn mở rộng ra nhiều chuyên ngành khác như tim mạch, nhãn khoa, da liễu, bỏng, xương. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về nhân bản vô tính sao la được triển khai tại Viện Công nghệ sinh học; nghiên cứu về TBG phôi chuột nhắt của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh... là tiền đề cho nghiên cứu TBG sinh tinh, TBG trung mô, TBG biểu mô của da đang khá phát triển hiện nay. Đáng lưu ý là những thành công ấy hiện đang được ứng dụng vào khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, nghiên cứu về TBG đã gây được sự chú ý của các cơ quan quản lý, cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.

Trước sự phát triển vượt bậc của những nghiên cứu ứng dụng về TBG ở trong và ngoài nước, năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đưa ra tuyển chọn công khai nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước nhằm mở rộng phạm vi ứng dụng TBG trong công tác chữa bệnh, trong đó chú trọng đến bệnh nhi và ung thư. Đến nay, đã có 5 trường hợp ghép TBG máu dây rốn để điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu của bệnh nhi được thực hiện thành công. Đây chính là cơ sở để Nhà nước tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu về TBG trong những năm sau này.

Xây dựng hệ thống ngân hàng tế bào gốc

Xuất phát từ thực tiễn và đề xuất của các nhà khoa học về việc xây dựng hệ thống ngân hàng và tổ chức mạng lưới nghiên cứu, ứng dụng, trị liệu TBG ở Việt Nam, Bộ KHCN đã đưa nội dung "Xây dựng hệ thống ngân hàng TBG và ứng dụng trong y - sinh học" thành nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, đồng thời phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của nhiệm vụ này. Theo đó, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng ngân hàng TBG ở 3 miền Bắc - Trung - Nam; hình thành quy trình kỹ thuật phân lập, bảo quản, nuôi cấy, biệt hóa TBG để điều trị vô sinh nam giới, điều trị bỏng và vết thương khó liền, bệnh xương khớp, ung thư, bệnh ở trẻ em; ứng dụng TBG trong đánh giá tác động của thuốc… Bộ KHCN cũng đã giao một loạt đề tài cấp Nhà nước cho các đơn vị triển khai nhằm hướng tới các mục tiêu trên. Quỹ KHCN quốc gia cũng tham gia tài trợ cho các nghiên cứu về TBG.

Theo Bộ KHCN, Việt Nam đã có Bệnh viện Tim mạch - Huyết học TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TBG MekoStem có khả năng thu thập, xử lý và bảo quản dài hạn các TBG từ máu dây rốn. Ngoài ra, nhiều ngân hàng TBG khác cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động như ngân hàng TBG của Công ty cổ phần Mekophar, Bệnh viện Quân y 103. Các đơn vị này đã đáp ứng tốt nhu cầu cất giữ TBG cho đối tượng có mục đích sử dụng để cấy ghép tự thân hoặc cho người thân. Tuy nhiên, các ngân hàng có số lượng TBG lớn hiện chưa nhiều nên cơ hội được chữa bệnh nhờ ứng dụng kỹ thuật TBG còn chưa phổ biến.

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, ứng dụng TBG ở nước ta mới là bước khởi đầu nên chuyên gia giỏi còn thiếu. Nguồn lực về con người và trang thiết bị cho công việc này còn nhiều hạn chế. Với điều kiện Việt Nam, cả nước chỉ cần 3-4 trung tâm sản xuất TBG cho tất cả các tuyến y tế để điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau. Các trung tâm này phải có mối quan hệ mật thiết về công việc, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chiến lược về nguồn nhân lực với các bệnh viện, viện chuyên khoa khác...

Với dân số gần 86 triệu người và có khoảng 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao TBG vào điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân là cần thiết. Có thành quả ứng dụng TBG như ngày nay, thêm một lần nữa chứng minh rằng, đầu tư cho KHCN là hoạt động có thể không sinh lợi ngay nhưng về lâu dài sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.