Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho giao thông để miền Tây Nam Bộ “cất cánh”

Nhóm phóng viên| 24/12/2021 07:19

(HNMO) - Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, nhưng hạ tầng giao thông đường bộ đang thiếu và yếu. Nhận thức rõ điều này, các tỉnh, thành phố trong khu vực và các bộ, ngành trung ương đang triển khai nhiều dự án để miền Tây Nam Bộ có hạ tầng giao thông tốt, phát huy thế mạnh của vùng.

 Đường về miền Tây Nam Bộ phần lớn nhỏ hẹp, gây khó cho vận tải, giao thương.

Hạ tầng giao thông thiếu và yếu

Đồng bằng sông Cửu Long rộng gần 4,1 triệu ha, chiếm 13% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, tương đương gần 20% dân số cả nước. Vùng đất này đóng góp 90% lượng gạo và 60-70% lượng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, toàn vùng mới chỉ có 61km đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương (tỉnh Tiền Giang).

Một miền Tây Nam Bộ chằng chịt sông nước, nhưng 20 năm qua, toàn vùng trông chờ vào 5 cây cầu lớn bắc qua sông Tiền và sông Hậu để kết nối các tỉnh, thành, gồm cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống. Còn lại, toàn vùng chỉ có hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ nhỏ, hẹp với vô số cầu nhỏ.  Nói về vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định: “Giao thông có thông suốt thì kinh tế mới phát triển”.

 Cầu Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre) thường xuyên ách tắc giao thông dịp cao điểm.

5 năm qua, Chính phủ cũng đã chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ chi 198.000 tỷ đồng để đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối với các công trình gồm cao tốc Cần Thơ – Kiên Giang, cao tốc Trung Lương – Cần Thơ – Mỹ Thuận. Nhưng tổng mức đầu tư chưa thấm vào đâu so với nhu cầu phát triển của vùng. Ngoài ra, phần lớn các tuyến giao thông nêu trên vẫn đang trong giai đoạn thi công, nên chưa thể “góp sức” để toàn vùng phát triển.

Bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Hệ thống giao thông thiếu và yếu khiến chi phí logistics cho hàng hóa từ miền Tây về thành phố rất cao, chiếm từ 20-25% giá thành, làm sao cạnh tranh xuất khẩu được”. Còn Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam dẫn chứng: “Trong điều kiện bình thường, 1 container từ Cần Thơ, Sóc Trăng hay Bạc Liêu vượt đoạn đường 200km về thành phố Hồ Chí Minh mất thời gian tương đương 1 container đi 950km từ Đà Nẵng vào thành phố. Đây là điều rất đáng trăn trở”.

Địa phương và Trung ương cùng nỗ lực

Giao thông khó khăn khiến chi phí vận tải hàng hóa từ miền Tây Nam Bộ tăng cao.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động phối hợp xây dựng các tuyến đường bộ, phục vụ cho nhu cầu phát triển chung.

Ngày 21-12 vừa qua, UBND hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã thống nhất phối hợp xây dựng cầu Đình Khao trên quốc lộ 57 bắc qua sông Cổ Chiên, thay thế phà hiện hữu. Dự án có tổng chiều dài khoảng 6,92km, trong đó cầu Đình Khao dài khoảng 1,8km, rộng 16m, 4 làn xe và phần đường hai đầu cầu dài khoảng hơn 5km. Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bến Tre Cao Minh Đức nhận định, cầu Đình Khao sẽ kết hợp với tuyến QL53, QL57B và QL60 tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

 Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Còn UBND thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) dài 6,27km, với 6 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu; tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ hoàn thiện một phần cơ sở hạ tầng giao thông khu vực bằng việc kết nối thông suốt giữa QL91, QL91B…. Địa phương cũng đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Tây dài hơn 19km (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C), tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng. Các tuyến đường này sẽ góp phần đưa Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) thông tin, trong giai đoạn 2020-2025, Chính phủ đã quyết định đầu tư 266.000 tỷ đồng trung hạn và hỗ trợ Bộ khoảng 198.000 tỷ đồng để thực hiện kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, từ cuối tháng 12-2021 đến tháng 1-2022, Bộ GTVT sẽ khởi công tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang). Dự án này có quy mô cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều dài 15,3km; tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng.

19 tuyến cao tốc phía Nam sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025, góp phần để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh.

Bộ cũng sẽ khởi công xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), tổng chiều dài 14,3km, vận tốc thiết kế 80km/h; tổng mức đầu tư 1.725 tỷ đồng. Triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng với chiều dài 18,6km; tổng mức đầu tư 1,681 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thông tin: “Ngay trong thời gian từ nay đến năm 2025, sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; Sóc Trăng – Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề (khoảng 400 km). Đến năm 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc, để khu vực đóng góp cho cả nước gấp nhiều lần hiện nay”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho giao thông để miền Tây Nam Bộ “cất cánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.