(HNM) - Việc đầu tư cho ASIAD 18 phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, việc đầu tư cho ASIAD 18 phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc đầu tư các công trình phục vụ ASIAD 18 chủ yếu cải tạo các công trình hiện có để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: Linh Ngọc |
Con số 150 triệu USD chỉ là dự tính
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết gồm các khâu tổ chức thi đấu, khai mạc, bế mạc theo tinh thần tiết kiệm tối đa, tổ chức ASIAD gắn liền với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ đô Hà Nội. Như vậy, cần hiểu sân bay, đường sá tại Hà Nội sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của TƯ và địa phương, không nằm trong số kinh phí trên. Với cách cân đối nguồn vốn đầu tư như vậy, con số 150 triệu USD vẫn chỉ là dự tính. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng bày tỏ sự lạc quan với công tác tuyển chọn, rà soát, tập trung lực lượng vận động viên trẻ chuẩn bị cho ASIAD sẽ diễn ra vào năm 2019. Hiện nay bên cạnh các trung tâm huấn luyện thể dục thể thao của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, còn có các trường năng khiếu, các trung tâm ở các tỉnh, thành phố. Hằng năm, các trung tâm huấn luyện khoảng 1 nghìn vận động viên thể thao thành tích cao. Thực tế, thời gian qua thể thao Việt Nam đã có những nét khởi sắc do tuyển chọn, đào tạo vận động viên kỹ lưỡng; cơ sở vật chất tương đối bảo đảm qua các kỳ tổ chức SEGames, Indoor Games... Song để tổ chức thành công sự kiện mang tầm châu lục này, ngoài tập trung bồi dưỡng vận động viên, lo tổ chức sự kiện, nâng cao chất lượng giao thông thì 80% cơ sở vật chất vẫn phải duy tu, bảo dưỡng theo chuẩn quốc tế. Theo tính toán của Bộ Tài chính, cần đầu tư 2.600 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa, mở rộng, còn số tiền để đầu tư xây mới là 3.000 tỷ đồng.
Phải tiết kiệm chi phí
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, chi phí đầu tư ở kỳ ASIAD 2006 tại Qatar là 2,48 tỷ USD, trong khi Á vận hội 2010 ở Quảng Châu, Trung Quốc vào khoảng 20 tỷ USD. Hàn Quốc cũng đã từng dự tính chi 1,1 tỷ USD cho hoạt động này. "Cần tìm hiểu kỹ xem có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí chi cho chương trình này ra làm nhiều gói nhỏ để trấn an dư luận hay không? Nếu tới đây tổ chức mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm?" - đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi.
Liên quan tới nội dung này, đại diện của Bộ Tài chính đánh giá, kinh phí để đầu tư cho ASIAD lần thứ 18 cần nhiều nguồn. Trong đó, đề án đào tạo huấn luyện cho vận động viên phục vụ cho ASIAD do Bộ VH-TT&DL xây dựng ước tính cần khoảng 984 tỷ đồng để thực hiện là khả thi và bảo đảm được nguồn tài chính thực hiện. Song đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, qua khảo sát cũng cho thấy, cần làm rõ hai nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị cho ASIAD, đó là việc xây dựng Làng vận động viên và xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo. Đề án đưa ra cơ chế xã hội hóa, xây dựng Làng vận động viên sau đó sẽ tổ chức bán. Dù vậy, theo Bộ Tài chính, việc bán Làng vận động viên là rất khó khăn bởi thị trường bất động sản đang trầm lắng, hơn nữa việc giải ngân để thực hiện kế hoạch này không đơn giản. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị không xây Làng vận động viên mà nên tận dụng các khách sạn hiện có. Đối với việc đầu tư sân đua xe lòng chảo, Bộ Tài chính kiến nghị cần tìm phương án khác thích hợp hơn. Theo kế hoạch, nhà đầu tư có thể bỏ ra 500 triệu USD xây dựng sân cho chúng ta nhưng kèm theo đó là yêu cầu được phép kinh doanh cá cược và đòi hỏi ưu đãi thuế cao nhất. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, việc này là không được phép. Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho rằng, cần xem xét lại kế hoạch xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo. Có thể không tổ chức môn này nữa. Vì nếu phương án kêu gọi đầu tư không khả thi, ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra 300-400 tỷ đồng để làm sân xong chỉ đua 1 lần rồi bỏ đi thì không cần thiết.
Như vậy, kinh phí tổ chức ASIAD được huy động từ nhiều nguồn và việc triển khai liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Không ít nội dung sẽ phải bàn thảo lại để tiết kiệm kinh phí đến mức tối đa. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ ASIAD lần thứ 18 phải có trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu cải tạo nâng cấp những công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của đại hội; chỉ xây dựng mới một số công trình thật sự cần thiết, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ VH-TT&DL cùng các bộ, ngành liên quan cần có kế hoạch chi tiết và tăng cường thông tin, quảng bá về sự kiện trọng đại này để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân.
Nhiều ý kiến phát biểu cũng cho rằng chế độ, chính sách đối với vận động viên còn thấp. Do đó, nhiều vận động viên giỏi không yên tâm làm nghề. Là cơ quan quản lý hoạt động thể thao, Bộ VH-TT&DL cần chủ động tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, có thể từ việc đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, trong đó chú trọng các quy định về thể thao thành tích cao để thu hút ngày càng nhiều người có năng lực và tâm huyết trong ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.