(HNM) - Trên các diễn đàn gần đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần cảnh báo hiện tượng "che chắn, bảo kê” cho “sân trước”, “vườn sau”; làm việc công vì lợi riêng; ảnh hưởng rất xấu đến hiệu lực của bộ máy quản lý, tạo kẽ hở cho tham nhũng, lạm dụng quyền lực... Cảnh báo, nhận diện để kiên quyết đấu tranh phòng, chống hiện tượng nói trên luôn là đòi hỏi bức thiết trong nhiệm vụ xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
“Sân trước”, “vườn sau” được hiểu để chỉ mối quan hệ thân thiết dựa trên sở hữu hoặc lợi ích giữa các doanh nghiệp với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Đó có thể là việc cán bộ đóng góp cổ phần (pháp luật nước ta cho phép) hoặc không đóng góp cổ phần mà để cho người nhà có cổ phần tại các doanh nghiệp được hình thành trong quá trình phát triển hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp từ chủ trương của Nhà nước.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu các doanh nghiệp ấy hoạt động đúng quy định pháp luật, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh với doanh nghiệp khác. Điều đáng lo ngại ở đây là, vì lợi ích cá nhân, vì muốn kiếm lời nên đã có một vài cá nhân hoặc một nhóm người có chức quyền trong bộ máy nhà nước thoái hóa biến chất - lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình - để “nâng đỡ không trong sáng”; tạo biệt đãi, lợi thế cho “sân trước”, “vườn sau” phát triển; trong đó không loại trừ cả những hành động vi phạm pháp luật. Dư luận gọi chung đó là hiện tượng "che chắn, bảo kê”.
Hiện tượng này tồn tại như một “tảng băng chìm”, không dễ kiểm soát và ngăn ngừa. Nó chẳng những không đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, mà còn gây những tác hại và hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Về mặt kinh tế, "che chắn, bảo kê" tạo ra sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Về mặt quản lý nhà nước, "che chắn, bảo kê" bóp méo cả khâu lập chính sách lẫn quá trình thực thi chính sách, pháp luật. Đây còn là những điều kiện thuận lợi để hình thành các loại tội phạm có tổ chức, khiến hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng dễ bị tê liệt từ bên trong.
Về mặt chính trị, "che chắn, bảo kê" nhen nhóm hình thành phe cánh với quyền lực "đen" và quyền lực ngầm, thao túng bộ máy công quyền; chạy phiếu bầu, vận động hành lang, tranh giành quyền lực để từ đó có nhiều cơ hội tranh đoạt quyền lợi kinh tế, làm sâu sắc hơn các xung đột và dễ dẫn đến đấu đá nội bộ.
Phân tích các đại án gần đây, đặc biệt là vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) thâu tóm đất công ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; vụ việc bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đã cho thấy sự nghiêm trọng của hiện tượng “che chắn, bảo kê” cho “sân trước”, “vườn sau”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng xác định “che chắn, bảo kê” là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Nghị quyết chỉ rõ các biểu hiện: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực...
Để ngăn chặn những “liên minh ma quỷ” lợi dụng kẽ hở trong quản lý kinh tế để trục lợi, cần thường xuyên và liên tục tuyên truyền thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như các văn bản của Đảng liên quan đến vấn đề này; duy trì và tăng cường tinh thần quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” khi xử lý các vụ việc tiêu cực như thời gian vừa qua. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng khi giám sát, thanh tra, kiểm tra và thực thi pháp luật, nhất là phát hiện, xử lý những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi. Chỉ cần một số cá nhân trong cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo bị thao túng và mua chuộc thì vụ việc rất nghiêm trọng cũng dễ bị cản trở, can thiệp trái pháp luật, dẫn đến “chìm xuồng” hoặc rơi vào im lặng.
Thực tế cho thấy, một trong những lĩnh vực dễ xuất hiện tham nhũng chính là trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Những “bàn tay đen” sẵn sàng thò vào, can thiệp để được giúp sức, nâng đỡ trong thâu tóm cổ phần thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Thay vì để cho doanh nghiệp tự chuyển đổi, “tự bán mình” như hiện nay, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, tham mưu cho Nhà nước thành lập cơ quan có nhiệm vụ đánh giá, thẩm định, điều hành quá trình chuyển đổi sở hữu minh bạch, ngăn ngừa các hành vi có tính chất thao túng.
Hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã có những quy định khá rõ ràng, có phạm vi điều chỉnh khá rộng khắp, toàn diện. Tuy nhiên, quá trình thực thi luật đã xuất hiện những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý. Do đó, rất cần các cơ quan tư pháp thường xuyên nghiên cứu, đúc rút thực tiễn, bổ sung chế tài quy định xử lý hành vi tham nhũng trong liên kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư để tránh lạm dụng chức quyền, sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn hành vi “che chắn, bảo kê” cho “sân trước”, “vườn sau”.
“Bảo kê, che chắn” cho “sân trước”, “vườn sau” là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy chủ nghĩa tư bản thân hữu phát triển, khiến nguy cơ chệch hướng chủ nghĩa xã hội hiện hữu và cũng dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhanh nhất. Không chỉ cảnh báo, cảnh giác hiện tượng này mà phải quyết liệt, dứt khoát, triệt để hơn nữa trong việc đấu tranh và xử lý hiện tượng “bảo kê, che chắn”, ưu ái cho “sân trước”, “vườn sau”, bảo đảm sự trong sạch của bộ máy nhà nước và sự vững mạnh của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.