(HNMO) – Ngày 30/3, Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU 132 đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ cũng như đánh dấu 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh kêu gọi về bình đẳng giới.
Dự lễ kỷ niệm có Phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Trương Thị Mỹ Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ IPU 132 Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc lại lịch sử hình thành Hội nghị nữ nghị sĩ và khẳng định, đây là cơ chế hiệu quả tạo ra sự gắn kết giữa các nữ nghị sĩ toàn cầu về các chủ đề cùng quan tâm, giúp các nữ nghị sĩ đưa ra quan điểm về những vấn đề được thảo luận tại IPU dưới góc nhìn của nữ giới. Với sự tham gia ngày càng đông đảo và tích cực của các nữ nghị sĩ tại IPU, nhiều sáng kiến liên quan đến nữ giới đã được đưa vào chương trình hành động chung của IPU, góp phần cải thiện tình hình nữ quyền trên phạm vi toàn cầu.
Các nghị sĩ ký cam kết về bình đẳng giới |
Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ IPU 132 cho biết, tại Hội nghị nữ nghị sĩ IPU 132 vừa diễn ra, các đại biểu cũng đã đánh giá 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và cùng cam kết tiếp tục thực hiện bình đẳng giới, đẩy mạnh các hoạt động này trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ vinh dự được đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ IPU 132 và cam kết, các nữ nghị sĩ Việt Nam sẽ nỗ lực đấu tranh để đạt được bình đẳng giới. Tiến trình này ở Việt Nam đang đạt được nhiều thành tựu nổi bật và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể Quốc hội, nhân dân Việt Nam.
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chúc mừng các nữ nghị sĩ và cho biết, sau khi có Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Việt Nam đã thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng cho phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, xã hội.
Kể từ khi là thành viên IPU, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp, hoạt động vì phụ nữ và bình đẳng giới. Trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới đã trở thành quan điểm xuyên suốt, thống nhất của Việt Nam.
“Việt Nam cam kết ủng hộ, thực hiện có trách nhiệm cơ chế bình đẳng giới, đồng thời thúc đẩy việc lồng ghép vấn đề giới vào các chương trình nghị sự quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Hội nghị nữ nghị sĩ sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực vào thành công của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu bình đẳng giới.
Tại buổi lễ, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chia sẻ, bất cứ nghị sĩ nào cũng tự hào về tổ chức mình đại diện. Thành tựu lớn nhất của IPU chính là đã công nhận và đấu tranh vì phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ. IPU đã có được lòng dũng cảm, sự thông thái và tầm nhìn để nhận thấy đây là vấn đề quan trọng và cách đây 30 năm đã có cơ chế tổ chức dành riêng cho phụ nữ.
“Với tư cách là những người đại diện cho người dân, chúng ta phải tạo ra sự khác biệt. Tôi cám ơn cả nam, nữ nghị sĩ đã hành động vì chương trình nghị sự này. Từ chỗ Ipu chỉ có 2 nữ giới, giờ các đoàn đã có hơn 30% nghị sĩ là nữ. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới vẫn cần tiếp tục, không chỉ vì phụ nữ mà vì toàn nhân loại. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là thay đổi tương lai của đứa trẻ vừa sinh ra, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của con người”, ông Chowdhury nói.
Thay mặt Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ hi vọng, với quyết tâm cao của IPU và cộng đồng quốc tế, vấn đề bình đẳng giới sẽ đạt được thành công ở tất cả các quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Doan nhận xét, sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong bình đẳng giới. Tuy vậy, quá trình thúc đẩy bình đẳng giới vẫn vấp phải nhiều rào cản từ cơ chế, chính sách đến nhận thức xã hội.
Các nữ nghị sĩ phát biểu tại IPU 132 |
“Trước những thách thức đó, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Tôi vui mừng vì thấy trong 17 mục tiêu phát triển bền vững được đề ra, chúng ta vẫn duy trì mục tiêu về hoàn thiện bình đẳng giới. Tôi hi vọng tại Hội nghị Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm nay, các nước sẽ tái cam kết và thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, tăng quyền và nâng cao hơn nữa vị thế cho phụ nữ”, Phó Chủ tịch nước nói.
Sau các phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban điều phối hội nghị nữ nghị sĩ Margaret Mensah-Williams đã đọc lời kêu gọi toàn cầu chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và bé gái. Bà cho biết, Hội nghị nữ nghị sĩ tin tưởng các mục tiêu này có thể đạt được cùng với sự cam kết từ các thành viên IPU, thông qua nghị viện nước mình chống lại bất công, bất bình đẳng, sử dụng các nguồn quỹ và sức mạnh giám sát của nghị viện để đảm bảo thực thi các mục tiêu về bình đẳng giới, cải tổ chính trị để phụ nữ được trao quyền nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.