Dù Việt Nam đang tích cực làm việc cùng nhà quản trị hệ thống AAG, Công ty tàu cáp quốc tế và các đơn vị liên quan, ưu tiên cho việc sửa chữa tuyến AAG trong thời gian sớm nhất song dự kiến công việc sẽ chỉ có thể hoàn thành vào đầu tháng 5.
Trao đổi với PV trưa 24/4, đại diện VNPT cho biết, sự cố lần này cũng đòi hỏi phải có thời gian điều tàu cáp chuyên dùng của quốc tế và lãnh hải Việt Nam để tiến hành sửa chữa. Trong thời gian chờ đợi tuyến cáp được sửa lỗi, doanh nghiệp này đã triển khai phương án xử lý bằng cách san tải, định tuyến lưu lượng khôi phục qua hướng ưu tiên. VNPT cũng khẩn trương mở khẩn cấp 20 Gbps từ Việt Nam đi Hong Kong trên tuyến cáp đất liền qua Trung quốc, đồng thời làm việc với đối tác Google để ứng cứu thông tin cho các kênh Internet Peering và đáp ứng kế hoạch mở kênh Internet quốc tế ngay sau khi có sự cố xảy ra.
Trong ngày hôm nay, 24/4, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để mở thêm 100G Backbone ứng cứu trên hệ thống ALU mới đầu tư để lưu thoát lưu lượng, đảm bảo chất lượng ổn định cho người sử dụng Internet.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, tuyến cáp quang biển AAG lại vừa xảy ra sự cố đứt cáp vào lúc 5h17 sáng hôm qua, 23/4/2015. Đại diện FPT Telecom, một trong những đơn vị khai thác tuyến cáp AAG cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do phân đoạn cáp SH1 từ TP. Hồ Chí Minh đi Hong Kong bị đứt, gây ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên tuyến cáp này.
Một số nguồn tin cho biết, rất có thể lần này nguyên nhân gây đứt cáp là do rò điện chứ không phải vì nguyên nhân tự nhiên.
Hậu quả của sự cố này là việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… đã bị ảnh hưởng. Nhiều trang quốc tế có hiện tượng truy cập chậm hoặc không truy cập được, song các trang web và dịch vụ trong nước vẫn hoạt động bình thường.
Việc tuyến cáp AAG gặp sự cố ngay trước thềm kỳ nghỉ dài 6 ngày 30/4-1/5 có thể sẽ gây ảnh hưởng, xáo trộn không ít đến sinh hoạt của nhiều người dùng, nhất là khi khối lượng công việc đang dồn vào những ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ. Theo khuyến cáo của các nhà mạng, khách hàng chỉ nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.
Để khắc phục sự cố, FPT Telecom đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. Một nhà khai thác khác là Viettel cũng thông báo đã có ngay phương án bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và 02 hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom.
Dự đoán về thời gian khắc phục sự cố, Viettel cho biết do đặc thù công việc diễn ra trên biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chưa thể xác định chính xác thời gian hoàn thành, dự tính thời gian sửa chữa đường cáp biển có thể kéo dài từ 3 tuần đến một tháng.
Trong lần đứt cáp AAG gần đây nhất (hồi đầu tháng 1/2015), đơn vị điều hành đã phải mất đến 3 tuần mới khắc phục và hàn nối xong đoạn cáp bị đứt và truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế mới trở lại trạng thái bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.