Từ lâu trên thị trường gạo ở Hà Nội, ít nghe đến những cái tên gạo Bao Thai Hồng, Nông nghiệp 8, Mộc Tuyền... Đó là những loại gạo dẻo, thơm và ngọt cơm. Thay vào đó là những loại gạo khác được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... cũng dẻo, nhưng không ngọt cơm bằng các loại gạo kể trên và rất đắt tiền...
Gạo tám xoan, một đặc sản của vùng quê Hải Hậu (Nam Định)
Bao Thai Hồng, Di Hương, Tám Xoan, Mộc Tuyền... là những giống lúa được bà con nông dân nhắc đến nhiều nhất với sự tiếc nuối. Những loại gạo này mùi thơm, vị ngọt của nó rất khó tìm thấy ở những loại gạo khác và cũng không phải vùng nào cũng trồng được. Bà Vương Thị Nghi ở thôn Viên, xã Cổ Nhuế (Từ Liêm) cho biết: “Tôi đã từng lấy giống lúa Bao Thai Hồng từ Cổ Loa về trồng, nhưng lạ thay, vụ đầu tiên, hạt gạo còn hơi hồng, cho đến những vụ sau nữa thì hạt gạo trắng hẳn, mùi thơm và độ dẻo kém đi nhiều”. Bà Nghi nói tiếp: “Bây giờ, tôi vẫn thích ăn gạo Bao Thai Hồng, nhưng thật tiếc, do năng suất thấp đã phải bỏ đi một giống lúa ngon”. Loại lúa này thường thâm canh ở các vùng Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam và ở Hà Nội chỉ có vùng Cổ Loa là trồng được. Song, hiện nay các loại gạo Bao Thai Hồng, Mộc Tuyền không còn trên thị trường, có lẽ vì năng suất kém hơn nhiều so với những loại khác. Giống lúa Mộc Tuyền, Bao Thai có ưu điểm cây cao, thân cứng, trồng ở ruộng trũng hiệu quả hơn. Bà con nông dân trước kia chỉ gieo trồng và chăm sóc để cây lúa phát triển bình thường, được mùa hay không phần lớn vẫn nhờ vào thời tiết, chứ không có sự can thiệp nhiều như hiện nay do sử dụng thuốc bón lá, trừ cỏ, thuốc trừ sâu... Chính vì nông dân sử dụng những loại thuốc đó mà hạt gạo ngày nay không còn đậm và ngọt như trước. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần cũng là do người ta chỉ nghĩ cách tạo năng suất cao, mà quên đi chất lượng.
Hà Nội là thị trường tiêu thụ gạo lớn và có sự đòi hỏi chất lượng cao. Chị Bùi Thu Hằng, người tiêu dùng ở chợ Nghĩa Tân cho hay: “Cứ thấy hạt gạo trong, trắng, ít tấm, có thể ngửi thấy mùi thơm là tôi mua liền chứ không nghĩ đến chuyện đắt, rẻ một hai giá”. Trên tay đang xách một túi gạo có xuất xứ từ nước ngoài vừa mua ở chợ Mơ, cô Đặng Hải Yến ở quận Hoàng Mai cho biết: “Tất nhiên gạo của nước ngoài bây giờ cũng không thể ngon hơn những loại gạo ngày xưa của nước ta, nhưng dù sao nhìn cũng thấy bóng đẹp, ít tấm hơn. Giá gạo cao hơn 1.000 đồng hay 2.000 đồng cũng chấp nhận được. Tôi chỉ băn khoăn không biết gạo này có “sạch” không, có ngon không ?”.
Lợi nhuận và sự can thiệp của các loại hóa chất khi trồng lúa đã làm mất đi hương vị thơm, ngon của những loại gạo xưa, thay vào đó là những loại gạo ngoại nhập, đã đắt tiền, mà chất lượng thì không bằng loại gạo ngày xưa.
Người dân ngoại thành Hà Nội cũng như bao người nông dân ở các tỉnh khác luôn mong năng suất lúa cao nhưng vẫn giữ được hương thơm, vị đậm, thỏa mãn nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây là một bài toán khó chưa có lời giải, cần sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và các nhà nghiên cứu để tìm ra phương pháp bảo tồn, phát triển và nhân rộng những giống lúa quý, truyền thống của dân tộc, làm nên đặc sản, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.