Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu phải dự án đầu tư

Nguyễn Mai| 27/06/2011 06:56

(HNM) - Một năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), cả nước đã thu được nhiều kết quả, tạo được niềm tin của người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều vướng mắc do tư tưởng coi xây dựng NTM là


Những kết quả ban đầu


Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ xây dựng hệ thống thủy lợi.  Ảnh: Tào Ngọc


Theo BCĐ Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, đến nay 100% các tỉnh, 516/609 huyện, 8.404/9.121 xã đã thành lập BCĐ xây dựng NTM. 100% tỉnh, thành phố hoàn thành đánh giá thực trạng NTM theo 19 tiêu chí, làm cơ sở để triển khai những bước tiếp theo. Có 700 xã (chiếm 7,6%) hoàn thành việc xây dựng đề án theo hướng dẫn của trung ương; 92% số xã đang triển khai công tác quy hoạch, trong đó có 461 xã (chiếm 14%) hoàn thiện quy hoạch chi tiết.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng NTM đã tạo ra những mô hình tốt. Nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho các xã làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng công trình vệ sinh… Tỉnh Thái Bình đã tập trung vào dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, phát triển giao thông, kênh mương nội đồng phù hợp với cơ giới hóa. Tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ 100% xi măng, ống cống qua đường, công vận chuyển, kinh phí quản lý… cho xây dựng giao thông nông thôn; Hải Phòng đã hỗ trợ 15-20% kinh phí xây dựng cơ bản, hạ tầng kỹ thuật trang trại, cơ sở làm muối; hỗ trợ 20-30% lãi suất cho người dân vay sản xuất… Cả nước có 10/13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự túc ngân sách giai đoạn 2011-2015 đã chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai chương trình với tổng số là 5.664,8 tỷ đồng (gấp 3,5 lần kinh phí trung ương cấp cho 50 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách).

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, các địa phương đã xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, tổ chức được hơn 9.000 lớp dạy nghề với gần 280 nghìn người tham gia. Riêng 11 xã điểm xây dựng NTM do trung ương phát động đã hình thành hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã nào cũng có 3 - 4 mô hình sản xuất có hiệu quả. Nhờ vậy, ở hầu hết các xã làm điểm, thu nhập của người dân tăng 20 - 30% so với trước, tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng NTM cả nước.

Phải lấy người dân làm chủ thể

Mặc dù đã thu được nhiều kết quả, song xây dựng NTM đang gặp phải không ít khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát, việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí ở nhiều địa phương mới chỉ "ước lượng", chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện thực trạng nông thôn. Điều này dẫn đến hạn chế trong lập quy hoạch, lập đề án, đặc biệt là khó xác định đầy đủ các nguồn lực cho xây dựng NTM. Hơn nữa, trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế nên không thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ quy hoạch xã NTM mà phải dựa vào các đơn vị tư vấn. Hầu hết các xã đều "khoán trắng" cho tư vấn để xây dựng kế hoạch; vai trò của các phòng, ban cấp huyện (cấp phê duyệt quy hoạch) chưa được xác định rõ và các đơn vị này chưa thực sự vào cuộc. Trong khi đó, cả nước chỉ có khoảng 400 đơn vị tư vấn chuyên ngành, nhiều đơn vị bỡ ngỡ do quy hoạch NTM đặt ra những yêu cầu mới. Đáng chú ý, công tác lập đề án, dự án ở nhiều địa phương còn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập, văn hóa và môi trường.

Mục tiêu đến cuối năm 2011, 100% số xã hoàn thành quy hoạch chung về xây dựng và 30% số xã hoàn thành quy hoạch chi tiết; 100% các xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011 -2015 (chiếm 40% số xã) phải xong đề án. Cả nước phấn đấu đào tạo, tập huấn cho khoảng 20.000 cán bộ chỉ đạo các cấp (25% số cán bộ cần tập huấn)… Đây là một khối lượng công việc lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm tốt việc xây dựng NTM cần nâng cao nhận thức của cán bộ, cải tổ cách làm, cách tổ chức thực hiện. Mục tiêu của NTM là thúc đẩy đời sống của người dân tăng lên, bảo đảm điều kiện ăn ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa đạt chuẩn. Do đó quá trình triển khai phải xác định trọng tâm công việc để đề ra kế hoạch, mục tiêu phấn đấu, lựa chọn những việc cần ưu tiên, kiên trì thực hiện quy hoạch đi trước một bước, theo phương châm "chưa có quy hoạch, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng".

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, các bộ, ngành, địa phương khi hướng dẫn triển khai chương trình cần linh hoạt, đơn giản, tùy theo thực tế để người dân vận dụng; lấy người dân làm chủ thể, vì lợi ích của người dân. Cần đưa chương trình NTM trở thành phong trào thi đua sôi nổi trên cả nước, trở thành nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân. Đây là chương trình lâu dài, bền bỉ, phải làm thực chất, sớm xây dựng đề án cho từng xã, gắn với việc hoàn thiện công tác quy hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đâu phải dự án đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.