Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu năm trẩy hội Đống Đa

Minh Ngọc| 27/01/2012 06:59

(HNM) - Hôm nay, 27-1 (mùng 5 tháng Giêng), Hà Nội lại tổ chức Lễ hội Đống Đa, ôn chuyện xưa, tích cũ, công ơn tiên tổ. Mở đầu cho chuỗi lễ hội lớn trên địa bàn Thủ đô, không gian Lễ hội Đống Đa năm 2012 được mở rộng, hấp dẫn du khách gần xa.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc Công viên văn hóa Đống Đa cho biết: Lễ hội Đống Đa là lễ hội của lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm và ý chí quật cường của dân tộc, nên các nghi lễ do nhân dân trong vùng thực hiện hàng trăm năm nay vẫn được duy trì.

Lễ hội Đống Đa năm 2011.

Lễ hội Đống Đa xuân Nhâm Thìn 2012, nhân dân vẫn sẽ được chứng kiến đám rước thần mừng chiến thắng từ đình Khương Thượng về Công viên văn hóa Đống Đa trong rừng cờ, tán, lọng, kiệu rực rỡ sắc màu cùng với chiêng, trống, thanh, la… Đám rước dài, rực rỡ sắc màu, diễu hành chậm rãi, rõ sự độc đáo với đám rước "Rồng lửa" bện rơm, mo nang và giấy bồi thành hình rồng. Tốp thanh niên bao quanh đám rước "Rồng lửa", biểu diễn côn quyền, tái hiện một phần hình ảnh đoàn quân Tây Sơn 223 năm trước (Kỷ Dậu 1789) đánh tan 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh trong hành tiến, giải phóng thành Thăng Long, mở ra trang sử mới vẻ vang cho đất nước. Sau lễ rước là lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung tại Công viên văn hóa Đống Đa.

Với mong muốn mang lại không khí tươi mới cho lễ hội năm nay, câu chuyện tình huyền thoại của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với công chúa Ngọc Hân lá ngọc cành vàng do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Tuồng trung ương tái hiện trong những xuân hội trước được thay thế bằng chương trình ca múa nhạc tổng hợp mang tính sử thi với chủ đề "Âm vang bản hùng ca Đống Đa". Đó là màn trống hội phối hợp liên khúc hát múa "Hội xuân Đống Đa", "Huyền thoại một tình yêu", "Bài ca chiến thắng", "Đống Đa khúc thanh âm ngày mới"… Hội Đống Đa còn có tiết mục biểu diễn võ thuật, múa tứ linh, múa quạt, múa sênh tiền, thi đấu cờ người, cờ tướng, các trò chơi dân gian, biểu diễn quan họ Bắc Ninh, thể dục thể thao…

Năm 2012, lần đầu tiên không gian Lễ hội Đống Đa được mở rộng đến chùa Kim Sơn, Nhà hát Kim Mã, nơi an táng nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh vì nước. Tại đây, 15 nghệ nhân dân gian xuất sắc nhất Bình Định - quê hương của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ sẽ hát bài chòi có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn liên tục từ 27 đến 29 tháng 1 (tức mùng 5-7 tháng Giêng). GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho hay: Nghĩa quân Tây Sơn trên đường hành quân thần tốc ra Bắc Hà đã hát bài chòi, vì thế có thể coi nghệ thuật bài chòi là một thứ nhạc khí giúp nghĩa quân thắng trận giòn giã. Do loại hình nghệ thuật độc đáo này ít nhiều bị mai một trên chính mảnh đất nó sinh ra, nên dù muốn nhưng trong khoảng thời gian dài vừa qua cũng không thể giới thiệu trọn vẹn với nhân dân cả nước. Năm nay, tỉnh Bình Định đã phục hồi tương đối trọn vẹn nghệ thuật hát bài chòi và mang ra Thủ đô biểu diễn đúng dịp kỷ niệm 223 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Ngoài đổi mới chương trình nghệ thuật, công tác tổ chức, quản lý Lễ hội Đống Đa xuân Nhâm Thìn cũng được chuẩn bị công phu, chu đáo. Bà Nguyễn Thị Kim Anh cho hay: Chính quyền lo việc bảo đảm an ninh, trật tự và tham gia vào nghi lễ dâng hương, còn lễ rước, lễ tế và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều do nhân dân phường Quang Trung và Trung Liệt đảm trách. Người dân và du khách đến dự Lễ hội Đống Đa có thể gửi xe miễn phí ở Trường Tiểu học Quang Trung; đặt tiền công đức ở hòm công đức duy nhất trước tượng đài vua Quang Trung. Các bãi gửi xe trên vỉa hè đường Tây Sơn và Đặng Tiến Đông, các dịch vụ vui chơi, giải trí trong Công viên văn hóa Đống Đa đều có hợp đồng với các phường sở tại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu năm trẩy hội Đống Đa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.