(HNM) - Năm 2022 là một cột mốc đánh dấu 60 năm kể từ ngày thành lập Ban Kỹ thuật thành phố, tổ chức tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội (5/3/1962 - 5/3/2022). Đó là chặng đường ghi đậm dấu ấn của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô với nhiều cống hiến to lớn. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhân sự kiện kỷ niệm này.
- Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của sự kiện 60 năm Ngày thành lập ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô?
- Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, người lao động trong ngành ôn lại truyền thống hào hùng, những đóng góp của ngành đối với sự phát triển của Thủ đô; qua đó tạo sự chuyển biến bằng hành động trong toàn thể người lao động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về vai trò, vị trí và tầm quan trọng mang tính đột phá của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô.
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô còn là dấu mốc quan trọng ghi nhận và khẳng định chặng đường xây dựng và phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; của Hội đồng khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội; của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, nhà khoa học; khẳng định thành tựu, kết quả nổi bật về khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực và tiếp tục mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
- Theo đồng chí, đâu là những thách thức cơ bản mà ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô phải đối diện hiện nay?
- Hiện tại, khoa học và công nghệ Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế, chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội; nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, doanh nghiệp về vai trò, động lực của nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ chưa đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm.
Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phát triển, nhất là trong khu vực doanh nghiệp còn thấp. Các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết. Hiện còn thiếu các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ...
- Vậy, ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô sẽ làm gì trong giai đoạn phát triển mới?
- Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Triển khai Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030 gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, kết nối toàn quốc và quốc tế… Xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc...
Kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn là một chủ thể nghiên cứu mạnh, góp phần kết nối, cung cấp nguồn lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài.
- Nhìn lại chặng đường đã qua của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô, đâu là bài học và giá trị tinh thần cốt lõi có thể rút ra và tiếp tục phát huy, thưa đồng chí?
- Thứ nhất, vai trò và sứ mệnh của khoa học và công nghệ cần được xác định rõ trong đường lối và thể chế hóa trong các chính sách phát triển. Khoa học và công nghệ phải thực sự là mối quan tâm và nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp. Thứ hai, phát triển khoa học và công nghệ phải được tiến hành đồng bộ trên nhiều mặt. Trong đó đặc biệt chú trọng kết hợp giữa phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ với tăng cường sự đóng góp khoa học và công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cần coi kết quả đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế là thước đo về hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ. Và bài học lớn nhất mà các nhà khoa học để lại cho chúng ta ngày nay là bài học về giấc mơ lớn trong khoa học, khát vọng phụng sự Thủ đô, đất nước bằng khoa học và nỗ lực phi thường để đạt được giấc mơ, khát vọng đó.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.