(HNM) - Bảy năm trước, quyền Anh (boxing) nữ Việt Nam ra đời mà Hà Nội là đơn vị tiên phong. Đã có HCĐ thế giới, HCV ĐH thể thao trong nhà châu Á và giờ đây lại có Vương Thị Vỹ vừa đoạt HCV giải trẻ thế giới.
VĐV Vương Thị Vỹ (trái). |
(HNM) - Bảy năm trước, quyền Anh (boxing) nữ Việt Nam ra đời mà Hà Nội là đơn vị tiên phong. Đã có HCĐ thế giới, HCV ĐH thể thao trong nhà châu Á và giờ đây lại có Vương Thị Vỹ vừa đoạt HCV giải trẻ thế giới.
Với dân trong nghề, đấy là dấu mốc mới trong hành trình phát triển của boxing nữ Việt Nam bởi rất có thể sau tấm HCV này, nhiều gia đình sẽ bớt e ngại khi cho con theo học quyền Anh.
Tập bình thường, thi đấu chững chạc
Trong làng quyền Anh nữ Việt Nam, Vương Thị Vỹ thuộc thế hệ VĐV thứ tư, sinh năm 1995 - 1996. Trước cô là những đàn chị khá nổi danh như Tạ Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Phương, Vũ Thị Hải Yến…
Bốn năm trước, cô gái người Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh này đến với quyền Anh, tập ở Hà Nội theo chương trình hợp tác giữa thể thao Bắc Ninh và Hà Nội. Trong thời gian ở Hà Nội, có môi trường luyện tập tốt cũng như được thọ giáo các thầy dày dạn kinh nghiệm nên Vương Thị Vỹ dần tiến bộ. Kỹ thuật của cô không gây được nhiều sự chú ý nhưng bản lĩnh thi đấu lại được đánh giá cao. HLV Đỗ Đức Dũng kể rằng, Vương Thị Vỹ thi đấu với cái đầu lạnh, biết tuân thủ đấu pháp. Chính điều đó đã giúp Vương Thị Vỹ lên ngôi vô địch hạng dưới 52kg tại Giải trẻ thế giới vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại giải này, sau khi vượt qua hàng loạt tay đấm mạnh như Maryna Naydych (Kazashstan), Maria Sokolova (Nga) và Alicia Holzken (Hà Lan), Vương Thị Vỹ vào chung kết với võ sĩ Ấn Độ. Bị thua trước ở 2 hiệp đấu nhưng cô đã gỡ hòa ở 2 hiệp sau, rồi được quyết định thắng bằng ưu thế.
Vui mừng trước thành tích của học trò nhưng thành viên Ban huấn luyện đội tuyển trẻ quốc gia tỏ ra thận trọng. Họ bảo rằng Vương Thị Vỹ còn trẻ, vẫn là "của để dành" cho kỳ Olympic sau. Từ nay đến lúc đó, nếu chuyên cần tập luyện, gặp may, không bị chấn thương thì cô mới có thể thực hiện được ước mơ thi đấu ở Olympic.
Tuyển quân: Gian nan rồi sẽ qua?
Thực hiện chiến lược "đi tắt đón đầu", khi nghe tin chủ nhà SEA Games 23 Philippines sẽ đưa môn quyền Anh nữ vào chương trình thi đấu chính thức, những nhà hoạch định thể thao Việt Nam đã nhanh chóng thành lập môn này. Có bộ môn, có sẵn đội ngũ HLV nhiệt huyết nhưng chỉ có khâu tuyển quân mới khiến các HLV ở Hà Nội lo lắng. Cách tuyển quân là xuống từng cơ sở để chọn quân rồi mới thỏa thuận với gia đình, nếu không được sự đồng ý thì coi như thất bại luôn. Nhiều HLV đã méo mặt vì học trò đồng ý nhưng gia đình không cho. Lý do thường thấy là bố mẹ họ không chấp nhận cảnh con gái mình lao vào đấm nhau túi bụi, như vậy thì còn đâu vẻ nữ tính. Không kể còn yếu tố khách quan là các phương tiện truyền thông hay phát lại các trận đấu của quyền Anh nhà nghề - nơi các võ sĩ hầu như cứ đầu trần đấm nhau. Quyền Anh nghiệp dư khác hẳn, có bộ luật chặt chẽ để bảo vệ tối đa cho VĐV, có găng tay thi đấu, mũ bảo hiểm để bảo đảm VĐV ít bị chấn thương... Và thực tế thì nguy cơ chấn thương của VĐV quyền Anh nghiệp dư còn ít hơn VĐV nhiều môn võ khác có sử dụng đòn chân. Vậy mà nhiều gia đình vẫn cho con theo học những môn võ nguy hiểm hơn trong khi nói "không" với quyền Anh.
Cũng vì lý do này mà quá trình tuyển quân của quyền Anh Hà Nội từng gặp nhiều khó khăn. Các HLV ở đây đang hy vọng rằng, hiệu ứng từ chiếc HCV giải trẻ thế giới của Vương Thị Vỹ sẽ khiến nhiều gia đình thay đổi cách nhìn về quyền Anh nghiệp dư. Và các HLV có thể yên tâm xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu làm vẻ vang cho thể thao nước nhà tại các kỳ ASIAD hay Olympic.
Quyền Anh nữ khá phổ biến ở Anh từ năm 1720 và từng xuất hiện tại Olympic mùa hè 1904. Tuy nhiên, từ kỳ thế vận hội đó đến nay, các nữ võ sĩ quyền Anh thế giới không có cơ hội tranh tài trên đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh này. Năm 2005, Liên đoàn quyền Anh nghiệp dư thế giới (AIBA) đã liên tục yêu cầu IOC đưa quyền Anh nữ vào hệ thống thi đấu Olympic và năm 2012, quyền Anh nữ được đưa trở lại đấu trường Olympic. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.