(HNM) - Cuộc gặp lịch sử được cả thế giới chờ đợi, dõi theo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 12-6 tại Singapore, mang theo kỳ vọng về một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thời khắc lịch sử
Mọi sự chú ý của thế giới đổ dồn về đảo quốc Sư tử, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên. Cái bắt tay nồng ấm, những cử chỉ thân thiện đã mở đầu cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo. Kết thúc cuộc gặp, ông chủ Nhà Trắng đã dành những “lời nói có cánh” khi đề cập về cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên, rằng cuộc gặp diễn ra “rất tốt”, hai bên có “mối quan hệ tuyệt vời”. Sau 40 phút trao đổi, Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu cuộc thảo luận mở rộng với các phụ tá. Phái đoàn hai nước đều là những quan chức cấp cao, đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, an ninh.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được coi là dấu mốc cho nền hòa bình thế giới. |
Các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chưa bao giờ dễ dàng và cuộc gặp lần này cũng không ngoại lệ. Không chỉ là khoảng cách về địa lý, các bên đã phải trải qua một hành trình dài, mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi đó là “vượt qua nhiều chướng ngại”. Giới quan sát nhận định, bản thân cuộc gặp và trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã là một sự thành công “ngoài mong đợi”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cơ hội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và cởi mở với nhà lãnh đạo quốc gia quyền lực vào loại nhất thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ D.Trump làm được điều mà chưa một người tiền nhiệm nào đạt được, tạo dựng mối quan hệ "gắn kết rất đặc biệt" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Việt Nam đánh giá cao kết quả Hội đàm Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ Ngày 12-6, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao kết quả Hội đàm Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ ngày 12-6. Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa và hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết mọi vấn đề bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi mong rằng việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại Hội đàm lần này sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới”. |
Triển vọng hòa bình
Triển vọng về một tương lai hòa bình và bền vững trên bán đảo Triều Tiên càng có cơ sở khi Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết Tuyên bố chung gồm 4 điểm cốt lõi: Mỹ - Triều cam kết thiết lập quan hệ mới thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; Hai nước nỗ lực xây dựng chế độ lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; Tái xác nhận Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27-4-2018, trong đó Bình Nhưỡng cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; Mỹ và Triều Tiên cam kết nỗ lực tìm kiếm thi hài các tù nhân chiến tranh, bao gồm việc hồi hương ngay những thi thể đã được nhận dạng.
Đánh giá đây là một văn kiện toàn diện, Tổng thống D.Trump cho biết, Washington có những bảo đảm về an ninh dành cho Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu rất nhanh chóng. Dù các cam kết về phi hạt nhân hóa trong Tuyên bố chung Mỹ - Triều được cho là không khác biệt nhiều so với Tuyên bố Bàn Môn Điếm đạt được trước đó, song vẫn được nhìn nhận là một kết quả thành công khi duy trì sự tương tác và đối thoại giữa các bên, hướng tới giảm nhiệt căng thẳng tại Đông Bắc Á.
Ngay trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kỳ vọng đây sẽ là dấu mốc lịch sử cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Những hành động, tuyên bố, cam kết của các bên tại cuộc gặp càng củng cố điều này. Tổng thống D.Trump tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thêm nhiều lần nữa, gửi lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Mỹ và cho biết sẽ thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm thích hợp. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc mà Triều Tiên từng coi là hành động khiêu khích và làm căng thẳng leo thang; bày tỏ hy vọng sẽ rút lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc về nước. Tổng thống D.Trump cũng cho biết, các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ khi chắc chắn rằng vũ khí hạt nhân không còn là yếu tố gây lo ngại...
Thế giới sẽ được chứng kiến một sự thay đổi lớn lao và lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều Tiên đã quyết định gác lại quá khứ - đây là khẳng định của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị. Còn theo nhà lãnh đạo Mỹ, đối thủ rốt cuộc cũng có thể trở thành bạn bè và Triều Tiên có thể đạt được bất kỳ điều gì nước này muốn nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đúng như nội dung Tuyên bố chung Mỹ - Triều đã ghi nhận, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, vượt qua thời gian dài căng thẳng, thù địch giữa hai đất nước để mở ra một tương lai mới.
Hoan nghênh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, toàn thể người dân nước này hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh thành công sẽ mở ra một kỷ nguyên mới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, hòa bình và một quan hệ mới giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho hay, Bắc Kinh hoan nghênh các cuộc đối thoại giữa Mỹ - Triều Tiên và hoàn toàn ủng hộ sự kiện này, hy vọng đây là cơ hội giúp xóa bỏ những rào cản, tạo dựng lòng tin đôi bên, triển khai những bước đi vững chắc tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố chung mà Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, nhấn mạnh Nhật Bản sẽ làm mọi điều có thể trong việc hợp tác với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.