Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là giải pháp thiết kế thoát hiểm cho nhà ống?

Dạ Khánh| 08/04/2021 17:02

(HNMO) - Liên tiếp các vụ cháy nhà ở trong khu dân cư thời gian gần đây gây thiệt hại nghiêm trọng về người khiến dư luận dấy lên mối lo ngại về an toàn tính mạng khi xảy ra cháy, nổ. Đặc biệt, khi hầu hết công trình nhà phố hiện nay đều chỉ có một lối ra vào, để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, việc quan tâm tạo lối thoát hiểm cho nhà ống là rất cần thiết.

Lối thoát hiểm cho nhà ống. 

Chưa quan tâm lối thoát hiểm khi cháy

Về quy định thoát hiểm trong phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở, Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh (Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - VNCC) cho biết: Hiện, Việt Nam đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình: QCVN 06:2010/BXD. Đây là cơ sở để thiết kế, xây dựng các công trình nói chung với giải pháp kết cấu, quy hoạch không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm an toàn tính mạng con người khi xảy ra cháy. Theo đó, mọi người trong nhà có thể sơ tán ra bên ngoài trước khi xuất hiện nguy cơ đe dọa tính mạng và sức khỏe do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy. Đồng thời, lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy, thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản...

"Nhìn chung, các công trình xây dựng lớn, nhiều người sử dụng như: Chung cư cao tầng, bệnh viện, trường học,... đều tuân thủ đúng quy định thiết kế lối thoát hiểm phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, với các công trình nhà ở dân dụng (do dân xây dựng), nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đến các nội dung này. Thậm chí, trong hồ sơ cấp phép xây dựng cũng không có quy định bắt buộc thiết kế lối thoát hiểm...", ông Nguyễn Huy Khanh bày tỏ.

Thực tế, nhiều nhà mặt phố (dạng nhà ống) hiện nay đều có chung đặc điểm bất lợi: Diện tích nhỏ, hẹp, sâu và sát với nhiều nhà cao tầng khác, ít mặt thoáng. Khi thiết kế nhà, chủ nhà thường quan tâm tới diện tích sử dụng, sự phân bố các phòng... mà ít tính đến phương án thoát hiểm khi có tình huống xảy ra. Thậm chí, do lo ngại về vấn đề trộm cắp, nhiều nhà còn lắp đặt lưới, lồng sắt, cửa sổ gắn nan hoa sắt, quây khung lồng sắt tại sân tầng thượng... vô tình chắn lối thoát hiểm của chính căn nhà. Như vậy, trong tình huống xảy ra cháy, lối thoát hiểm chính là cửa ra bị lửa chặn; các cửa sổ, ban công, tầng thượng... lẽ ra là lối thoát hiểm phụ, bị chặn cứng bằng các lồng sắt, khung sắt cố định khiến người trong nhà không có lối thoát thân. Do vậy, việc thiết kế và quan tâm dành lối thoát hiểm cho nhà ống là cấp thiết và cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Đâu là giải pháp?

Để bảo đảm an toàn tính mạng khi xảy ra những tình huống khẩn cấp, đặc biệt là sự cố cháy nhà, KTS Lê Tùng, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thương mại Phương Bắc cho rằng, trước tiên chủ nhà phải có ý thức phòng tránh và có các giải pháp thiết kế lối thoát hiểm cho căn nhà của mình. "Kiến trúc sư luôn khuyến nghị gia chủ thiết kế lối thoát hiểm cho nhà ống phòng sự cố xảy ra có thể nhanh chóng thoát thân", KTS Lê Tùng bày tỏ. Theo đó, chủ nhà có thể áp dụng các giải pháp thiết kế lối thoát hiểm: Ban công, lô gia, sân thượng, giếng trời, cửa phụ, ô thoáng và cửa sổ các phòng, cửa sổ trước và sau của căn nhà...

Với ban công, lô gia: Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu và có tính thẩm mỹ cao. Trường hợp nhà cháy, các thành viên có thể mở cửa để ra ngoài ban công, lô gia kêu cứu. Nếu ban công không dùng lan can mà quây lưới, khung sắt thì cần có ô cửa mở bằng bản lề, có khóa để mở trong trường hợp cần thiết. Sân thượng và giếng trời cũng là khu vực có khoảng trống lớn, thoáng giúp thoát hiểm hữu hiệu không kém ban công. Giếng trời trong nhà phố còn giúp thông khí và thoát khói thẳng lên trên.

Nhà ống nên thiết kế ban công làm lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn (ảnh minh họa).

Ngoài ra, theo KTS Lê Tùng, trong ngôi nhà, nên bố trí mỗi tầng có ít nhất 2 lối thoát hiểm: Một lối thoát ra cửa sổ, ban công và một lối ra cầu thang (lên hoặc xuống). Với những nhà có nhiều hơn một mặt thoáng, nên bố trí cửa thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà, phòng khi không thoát ra được ở cửa chính. Đặc biệt, các loại cửa cuốn nhôm và cửa sắt kéo gây bất tiện cho quá trình thoát hiểm; vì vậy nên làm cửa có cánh đóng mở. Ngoài ra, các loại cửa trong nhà như: Cửa phòng, mở ra sân thượng, mở ra ban công nên dùng khóa bằng các loại chốt đơn giản, dễ vận hành thay vì dùng chìa.

Một điều vô cùng quan trọng, theo Thạc sĩ, KTS Nguyễn Huy Khanh, đó là chính mỗi người cần nâng cao nhận thức, ý thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, mọi thành viên trong nhà đều phải cẩn thận trong các hoạt động sinh hoạt liên quan tới sử dụng điện và lửa như: Hút thuốc, đun nấu, đốt vàng mã, thắp hương... Từ đó, hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu là giải pháp thiết kế thoát hiểm cho nhà ống?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.