Sau nhiều năm duy trì vị thế hàng đầu cả nước và cung cấp hàng loạt vận động viên (VĐV) tài năng cho đội tuyển quốc gia, đến lúc này bộ môn đấu kiếm (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội) vẫn tiếp tục tìm lối để giữ vị thế. Trong đó, điều tiên quyết vẫn là phải tạo thêm những lứa VĐV tài năng mới.
Vị trí hàng đầu quốc gia cũng chưa đủ
Tại giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á 2024 vừa qua, đội tuyển Việt Nam đã giành 5 HCV trong đó các tay kiếm của Hà Nội đã góp công vào tới 4 HCV. Xa hơn chút, ở giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2024, các tay kiếm Hà Nội cũng giành ngôi Nhất toàn đoàn.
Thực sự, đó không phải là bất ngờ trong làng đấu kiếm Việt Nam cũng như với những người gắn bó với đội kiếm Hà Nội. Bởi từ hơn 20 năm nay, từ khi môn đấu kiếm được phát triển tại Việt Nam với nơi khởi phát là Hà Nội, các tay kiếm Hà Nội đã luôn khẳng định vị thế hàng đầu. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện của đấu kiếm Hà Nội cũng vào diện hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đó cũng là cơ sở để đấu kiếm Hà Nội phát triển bền bỉ, đồng thời có thể hỗ trợ đội tuyển quốc gia.
Cùng với một cơ chế đầu tư khá thông thoáng, khoa học, luôn tạo điều kiện tối đa để VĐV đi tập huấn, thi đấu quốc tế, đấu kiếm Hà Nội mới sản sinh ra nhiều lứa VĐV tài năng, từng giành vé dự Olympic như Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa, Đỗ Thị Anh và đặc biệt là Vũ Thành An.
Thực tế, trong khoảng vài năm gần đây chứng kiến sự chững lại về thành tích quốc tế của đấu kiếm Hà Nội. Trong đó, thời điểm 2020-2023, việc tập huấn, thi đấu quốc tế hầu như không thể thực hiện như kế hoạch. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng đến thành tích của đội tuyển quốc gia, nơi các VĐV Hà Nội thường xuyên chiếm ít nhất 40% lực lượng. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến các đội đấu kiếm khác trong khu vực Đông Nam Á vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là Singapore, Thái Lan. VĐV các đội này nhờ được thi đấu quốc tế liên tục và luôn đủ trang thiết bị tập luyện nên hiện đã lên nhóm đầu khu vực trong khi đấu kiếm Việt Nam giờ đang bị xuống vị trí thứ ba khu vực Đông Nam Á.
Đó cũng là sự trăn trở của những nhà quản lý bộ môn kiếm Hà Nội. Trưởng bộ môn kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn từng chia sẻ rằng, đấu kiếm Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế ở hệ thống thi đấu quốc gia mà còn phải ở cấp độ quốc tế, trong thành phần đội tuyển quốc gia. Cho nên, việc đóng góp vào thành tích của đội tuyển quốc gia cũng là trách nhiệm của đấu kiếm Hà Nội.
Hỗ trợ tối đa và vẫn tìm lối đi
Dịp cuối năm 2024 này không giống với năm trước đó khi những kế hoạch thi đấu quốc tế của đấu kiếm Hà Nội hầu hết thực hiện trọn vẹn. Cũng phải kể thêm, từ trước đến nay, đấu kiếm Hà Nội luôn có sự kết hợp chặt chẽ với phía bộ môn kiếm của Cục TDTT để bảo đảm thông suốt trong kế hoạch thi đấu quốc tế. Đó cũng là hướng đi chính đang được áp dụng, nhất là khi kinh phí thi đấu quốc tế của Cục TDTT cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các VĐV.
Trong sự phối hợp đó, phía Cục TDTT sẽ chịu trách nhiệm kinh phí thi đấu quốc tế cho một số VĐV nhất định. Còn Hà Nội và một số địa phương, ngành khác sẽ góp phần kinh phí để tạo điều kiện cho VĐV của mình trong thành phần đội tuyển quốc gia được thi đấu quốc tế. Không kể, nhiều giai đoạn, các chuyên gia ngoại của đội đấu kiếm Hà Nội cũng được đưa sang hỗ trợ đội tuyển quốc gia, đặc biệt khi đội tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Phụ trách bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) Nguyễn Hồng Đăng cũng nhấn mạnh, sự phối hợp của bộ môn đấu kiếm Hà Nội với bộ môn kiếm ở Cục TDTT là điểm nhấn xuyên suốt quá trình phát triển bộ môn. Cũng nhờ vậy, đấu kiếm Việt Nam mới giành nhiều kết quả tốt ở các giải quốc tế.
Tuy vậy, bên cạnh sự phối hợp trên, đấu kiếm Hà Nội vẫn phải tiếp tục với các giải pháp của riêng mình, trong đó, cần thiết nhất vẫn là phải tạo ra những lứa VĐV tài năng mới. Theo ông Phạm Anh Tuấn, đó sẽ là những VĐV trẻ, khoảng 13-14 tuổi và tốt nhất là được cử đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Với điều kiện kinh phí hiện nay, tốt nhất là đầu tư cho một số lượng nhỏ VĐV nhưng có tài năng thực sự. Và từ đó, mới có thể hy vọng có những Lệ Dung, Thành An mới...
Không kể, Hà Nội cũng sẽ phải tạo ra những sân chơi mới để các VĐV trong nước có thể thi đấu hằng tháng. Trước đây, đấu kiếm Hà Nội từng tổ chức hàng loạt giải dạng này và nay cũng đến lúc cần khôi phục để giữ nhịp thi đấu cho VĐV, nhất là với những VĐV ít có điều kiện thi đấu quốc tế.
Ngổn ngang hàng loạt đầu việc nhưng đó đều là việc cần thiết, phải thực hiện bằng được để đấu kiếm Hà Nội giữ vị thế hàng đầu cả nước của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.