(HNM) - Hy vọng và lo lắng là cảm giác còn lại rõ nhất của tôi sau khi đọc cuốn sách "Thư gửi người thiên cổ" (từ khi còn ở dạng bản thảo) của Nguyễn Hoàng Trâm Anh, một học sinh lớp 7, trong đó có nhiều truyện, tản văn… cháu viết từ khi mới học lớp bốn, lớp năm…
"Thư gửi người thiên cổ" nay đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Nhưng như đã nói, từ khi đọc bản thảo, đôi khi tôi cứ phải dừng lại để tự hỏi: Đây mà là suy nghĩ của một học sinh tiểu học ư? Thậm chí khi đọc truyện ngắn "Ngày đẹp nhất", bối cảnh xảy ra câu chuyện là một vùng ở nước Mỹ, với một cái kết không thể tinh tế và sâu sắc hơn so với suy nghĩ ở lứa tuổi ấy khiến tôi phải gọi điện hỏi mẹ cháu xem liệu có phải cháu dịch ở đâu không? Đó là việc làm cần thiết của người biên tập, tôi tự nhủ như vậy! Khi được chính tác giả khẳng định: Cháu đã viết truyện đó trong nước mắt, đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về chủ đề ấy và đã cân nhắc rất lâu khi hạ đoạn kết - cách nói năng rõ là của một người "có nghề" - thì tôi mới thật sự an tâm.
Cây bút nhỏ tuổi Nguyễn Hoàng Trâm Anh. |
"Tình bạn kẹo bông" có lẽ là một truyện ngắn đậm đặc chất Trâm Anh hơn cả. Nghĩa là nó vừa hồn nhiên, trong trẻo vừa già dặn, từng trải. Loại ý tưởng như vậy có thể đã thấy thấp thoáng đâu đó. Nhưng dưới ngòi bút Trâm Anh, nó không chỉ chuyển tải thông điệp về lòng nhân ái của những đứa trẻ một cách cảm động và đầy sắc thái, mà còn gián tiếp nói những lời chất vấn nghiêm khắc với người lớn, rộng ra là với xã hội về nghĩa vụ đạo đức của họ.
Chủ đề này có trong hầu hết những sáng tác của Trâm Anh. Nó khiến bạn đọc có lý do để hy vọng vào cây bút nhỏ tuổi này. Hy vọng vào trí tưởng tượng phong phú cũng như năng khiếu văn chương của cháu, vào khả năng diễn đạt một cách sáng sủa và tinh tế những suy nghĩ đôi khi không hề dễ nói thành lời, ngay cả với một người đã từng trải. Đó là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai đó có khả năng cầm bút hay không. Và điều đáng hy vọng hơn cả, bởi vì nó là quan trọng nhất không chỉ với người cầm bút mà trước hết với một con người, lại ở những gì đang làm nên tâm hồn mơ mộng, đầy khao khát những điều tốt đẹp thánh thiện của cô bé 12 tuổi này.
Trâm Anh có sự hiểu biết khá già so với tuổi của cháu về nhiều lĩnh vực kiến thức, cả tự nhiên và xã hội. Điều đó tạo cho tập sách thêm nét quyến rũ khi nó mời gọi, kích thích tính thám hiểm: Thám hiểm vào thế giới rộng lớn, thám hiểm ngôn ngữ và quan trọng hơn cả là thám hiểm vào tâm hồn con người.
Đó là dấu hiệu của một ngòi bút sớm biết nạp nhiều năng lượng.
Nhưng chả hiểu sao, cùng với niềm vui mừng, cứ nhen lên trong tôi một nỗi lo lắng mơ hồ. Có thể vì tôi thấy Trâm Anh còn nhỏ tuổi quá, mà con đường cháu lựa chọn thì xa tít mù tắp. Giả sử vì lý do nào đó cháu nản lòng bỏ cuộc thì đáng tiếc vô cùng. Hy vọng - cuối cùng vẫn là hy vọng - Trâm Anh hình dung được cháu sẽ phải chuẩn bị hành trang ra sao, để có thể đi tiếp như thế nào.
Dù là quá sớm, cũng xin chúc mừng cây bút nhỏ Nguyễn Hoàng Trâm Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.