(HNMO) - Đây là thông tin được nêu tại cuộc họp báo chuyên đề về quản lý tài sản nhà nước (TSNN) do Bộ Tài chính tổ chức chiều 27-9 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Hànộimới về việc biển số đẹp cấp cho ô tô, xe máy; sim điện thoại số đẹp, dễ nhớ liệu có phải là TSNN hay không? Nếu đây là công sản thì tới đây Bộ Tài chính sẽ quản lý như thế nào với những tài sản này. Bởi tính theo giá thị trường, có những chiếc biển số đẹp, sim số đẹp đã được rao bán với giá hàng tỷ đồng trên thị trường. Trong khi đó, những tài sản giá trị lớn này lại đang do các DN chuyên ngành quản lý?
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho rằng, theo quan điểm của cá nhân, đây là quyền tài sản, từ việc xác định rõ quyền này sẽ đưa ra hướng quản lý phù hợp. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình thức bán đấu giá với những biển số xe đẹp. Những tổ chức, cá nhân muốn sở hữu những biển số xe dễ nhớ, trùng với ngày tháng năm sinh hay những kỷ niệm trọng đại của cá nhân đều có cơ hội được sở hữu theo yêu cầu. Thế nhưng, họ sẽ phải trả một khoản tiền nhất định. Qua tìm hiểu, các quốc gia không đưa khoản tiền thu được từ đấu giá sim số đẹp, biển số đẹp vào ngân sách mà sử dụng vào mục đích từ thiện hay công tác xã hội. "Hiện nay ở nước ta chưa có quy định vấn đề này, song trước thực tế hiện nay, Cục Quản lý công sản sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý phù hợp. Việc quản chặt quyền tài sản này cũng không quá khó khăn bởi đơn giản như số điện thoại đẹp là do cơ quan nhà nước mà ở đây là Bộ Thông tin truyền thông cấp phép, còn DN chỉ là cơ quan thực hiện.
Liên quan đến định mức xe công cấp cho các bộ, ngành, địa phương, ông Thắng cho biết, theo quyết định 32/2015 của Thủ tướng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị tối đa 2 xe một đơn vị. "Quyết định của Thủ tướng đã quy định rõ, mỗi đơn vị chỉ như vậy. Theo quan điểm của Cục, tiêu chuẩn định mức ấy cơ bản phù hợp và khó có ngoại lệ. Tuy nhiên trên thực tế, cũng có những đơn vị nhiều việc, cần nhiều xe, đơn vị khác lại ít việc hơn do đặc thù. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu vấn đề này để báo cáo Chính phủ", ông Thắng cho biết thêm.
Không chỉ chê ít định mức, Hà Nội còn cho biết sau khi rà soát theo Quyết định 32 của Thủ tướng, địa phương này vẫn thiếu 80 xe công và có thể cân nhắc khoán chi phí xe công để giải quyết tình trạng hiện nay.
Liên quan tới việc tiên phong khoán chi phí xe công của Bộ Tài chính mới đây, ông Trần Đức Thắng cho biết, các Thứ trưởng của Bộ, các Tổng cục trưởng và các chức danh tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25) có thể sẽ đi làm bằng taxi, phương tiện công cộng hoặc thậm chí đi bộ..., tuỳ vào quyền lựa chọn của mỗi người. Việc này cần phải làm từng bước, thận trọng chứ không thể ồ ạt mở ra, có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các đơn vị. "Với địa bàn trung tâm đô thị mà phương tiện công cộng, cá nhân phát triển, có thể thực hiện khoán được, nhưng phải gắn với hạ tầng đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, phải tính tới cả chuyện an ninh an toàn cho các chức danh lãnh đạo", ông Thắng nói.
Theo Cục Quản lý Công sản, hiện Bộ Tài chính đã gửi báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát xe công tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Tổng số xe của các đơn vị (chưa kể của Quốc phòng, Công an) là 37.000 chiếc. "Sau sắp xếp, ước tính thừa khoảng vài nghìn chiếc và sẽ xử lý theo đúng quy định", ông Thắng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.