(HNMCT) - Suốt cả tháng nay, một trong những tâm điểm chú ý của dư luận là hai trận đấu trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 Giải vô địch Bóng đá thế giới năm 2022 khu vực châu Á: Đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển UAE và đội tuyển Thái Lan trên Sân vận động Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội vào các ngày 14-11 và 19-11.
Sự quan tâm của người hâm mộ không chỉ là về kết quả của các trận đấu này, ý kiến đánh giá của các huấn luyện viên, phong độ của các tuyển thủ hay bảng xếp hạng tạm thời của đội tuyển Việt Nam, mà còn là thông tin về giá vé xem các trận đấu, tình hình cung cấp dịch vụ cho các cổ động viên tới Sân vận động Quốc gia trong những ngày này, bên cạnh đó là nhận định của giới chuyên môn quốc tế về sự thăng tiến của bóng đá Việt Nam, về vẻ đẹp và tình yêu bóng đá của các cổ động viên Việt Nam...
Tuy nhiên, thông tin không chỉ một màu hồng. Cho đến tối 18-11, câu chuyện về giá vé “chợ đen” vẫn là nỗi ám ảnh với những ai muốn có mặt trên sân để theo dõi trực tiếp trận thư hùng giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan diễn ra sau đó một ngày. Những tấm vé qua tay “phe” có khi được bán với giá cao gấp 8 - 10 lần, khiến ngay cả những cổ động viên trung thành nhất của đội tuyển Việt Nam cũng phải nản lòng... Thậm chí khi có vé trong tay, cổ động viên còn phải đối diện với bao nỗi bực dọc khác như phí gửi xe rất cao hay phải mua những chiếc bánh mì, bịch nước uống với giá gấp 3 - 5 lần so với mua ở ngoài sân vận động. Đó còn là sự khổ sở mỗi khi phải vào nhà vệ sinh công cộng vốn rất bẩn, đặc biệt là với các cổ động viên nữ...
Bóng đá là môn thể thao vua, những trận đấu của đội tuyển quốc gia không chỉ là tâm điểm chú ý của các cổ động viên, chuyên gia bóng đá trong nước mà còn cả quốc tế. Như những ngày vừa qua, xuất hiện trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình có cả cổ động viên của UAE, Thái Lan, Hàn Quốc, phóng viên thể thao của nhiều nước.
Thông tin về trận đấu, về cách ứng xử của cổ động viên Việt Nam, những câu chuyện “bên lề” từ đây được truyền đi khắp thế giới, cho thấy nhiều điều chứ không chỉ là bóng đá. Các hãng thông tấn quốc tế tới Việt Nam làm phim về huấn luyện viên Park Hang-seo, về cách làm bóng đá trẻ ở Việt Nam và làn sóng ngôi sao bóng đá mới nổi cũng như bệ đỡ cho thành công đó. Huấn luyện viên Park Hang-seo được thế giới nhắc tới, gắn liền với cái tên Việt Nam và sự thành công, với câu chuyện một đài truyền hình Hàn Quốc mua bản quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu của đội tuyển Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ bóng đá tại Hàn Quốc - điều hiếm thấy ở xứ Kim chi...
Thực tế cho thấy bóng đá là một cánh cửa mở ra thế giới, vì vậy cần được chăm chút để bảo đảm những gì được phát đi toàn cầu phản ánh chân thực hình ảnh đất nước, con người và nét đẹp văn hóa Việt Nam. Qua cánh cửa bóng đá, không chỉ những tuyển thủ quốc gia như Xuân Trường, Văn Hậu, Công Phượng, Văn Lâm... giữ vai trò quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Cách ứng xử của mỗi cổ động viên khi có mặt trên Sân vận động Quốc gia để theo dõi các trận đấu quốc tế và sau khi trận đấu kết thúc, cách phát ngôn về đội khách, cách thể hiện ý kiến cá nhân trên trang mạng xã hội của câu lạc bộ nước ngoài hay diễn đàn bóng đá quốc tế có đúng mực, văn minh hay không đều có tác động đến cái nhìn, cách nghĩ của bạn bè quốc tế về Việt Nam.
Khi xem xét bóng đá với ý nghĩa nói trên, câu chuyện về nạn “phe” vé, về chất lượng và giá cả dịch vụ dành cho cổ động viên bóng đá ở trong và ngoài Sân vận động Quốc gia không còn dễ tiếp nhận đơn giản với cách hiểu “có cung thì mới có cầu”. Cần phải có cách “sửa sai”, thể hiện tính chuyên nghiệp và hạn chế tối đa những hình ảnh nhếch nhác, cách ứng xử thiếu văn minh... Loại bỏ những “hạt sạn” là góp phần khẳng định Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế, trong đó có các cổ động viên bóng đá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.