(HNMCT) - Gọi ông là lão tướng, ý tôi muốn phân biệt ông với nhiều vị tướng trẻ bây giờ, chứ Thiếu tướng Hoàng Kiền mới chỉ ngoại “lục tuần” tức là trẻ hơn nhiều lão tướng đương thời...
Chuyến đi nhằm vào sau Rằm tháng Giêng, lúc mưa xuân phơi phới bay nên hành trình quá sức vất vả bởi vài trăm cây số đường chưa hoàn thành bề mặt, xóc, trơn trượt và nói chung là “lên bờ xuống ruộng”. Thế mà trong lúc tôi cố nén cơn say xe (vì tiền đình có vấn đề) thì tướng Hoàng Kiền vẫn điềm nhiên vừa nghiêng ngả lắc theo nhịp xe vừa làm thơ với cây bút và cuốn sổ kê trên đầu gối. Ông nói: “Tôi chưa mấy khi dừng việc trong khi hành quân xe!”. Khả năng làm việc của Hoàng Kiền còn khiến tôi kinh ngạc: đi liên tục, làm việc tại hiện trường liên tục nhưng đêm đêm đúng 12 giờ khuya, ông mới ngủ. Sáng, đúng 6 giờ là thức giấc và nửa tiếng sau lại có thể hành quân trên những khúc gọi là đường như tôi vừa mô tả trên đây. Hỏi ông rằng tại sao lại có sức hơn người khi ông có trọng lượng cơ thể chỉ quãng trên dưới sáu chục ký như vậy, vị tướng chỉ lặng lẽ cười và hãn hữu lắm ông mới trả lời: do rèn luyện nhiều mà được thế! Có vẻ đó là sự thật, bởi với hơn 40 năm tuổi quân, trải qua nhiều năm trận mạc, nhiều trường sỹ quan (mà tại các trường này, sự rèn luyện ở mức đỉnh cao), rồi thành chỉ huy trung đoàn hải quân xây dựng nhiều công trình biển đảo, sau này là Tư lệnh binh chủng công binh và Giám đốc Dự án xây dựng Đường Tuần tra biên giới, Thiếu tướng Hoàng Kiền luôn luôn trong tư thế hành quân trên bến dưới thuyền. Dấu chân của ông dường như in khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, không kể rừng thẳm núi cao hay sông dài biển rộng trong tư thế của một người công binh dựng xây thêm những công trình.
Tác giả và Thiếu tướng Hoàng Kiền (bên phải) trên một đỉnh của dãy Trường Sơn. |
Biển rộng, đảo xa - nơi nào cũng tới!
Tiếp xúc với Hoàng Kiền, thoạt trông, hẳn ai cũng có cảm nhận giống tôi: Ông có gương mặt hiền hậu, nghiêm trang và “Bôn sệt” - nói như ngôn ngữ lính những năm 70 của thế kỷ 20. Song, tính cách nghiêm trang không hề làm hạn chế những suy nghĩ và hành động sáng tạo, thậm chí khá “tối tân” ở “ông cựu giáo chức” Hoàng Kiền. Đó là vào những năm ông là chỉ huy Trung đoàn hải quân T3 khi mà tình hình ở đơn vị này là khá yếu kém. Tình trạng binh sĩ nợ tiền các quán tràn lan khiến sinh hoạt của đơn vị bê trễ. Thế là ông cho báo động di chuyển đột ngột vào lúc mờ sáng khiến các chủ nợ, vốn vẫn giấu diếm tình trạng ăn nhậu trả sau của binh sĩ trong đơn vị, cùng lúc ào đến gặp thủ trưởng trung đoàn để “nộp danh sách” các con nợ. Nhân dịp ấy, ông chỉnh đốn lại kỷ luật: những cán bộ chiến sĩ vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quân lệnh và trật tự kỷ cương được vãn hồi. Ông còn bạo tay khi xin địa phương đất để xây dựng khu gia binh, tìm việc làm thêm cho nhiều gia đình, tạo điều kiện cho cán bộ chiến sĩ đơn vị an tâm công tác, cống hiến lâu dài cho quân đội. Chưa hết, những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà thậm chí Thông tấn xã Việt Nam còn chưa có đồng loạt máy vi tính, thì Hoàng Kiền đã theo học một lớp vi tính và sau đó trang bị cho đơn vị phương tiện làm việc hiện đại này. Vì thế, sau này trung đoàn T3 luôn có được sức mạnh công nghệ tiếp sức khi thi công các công trình biển đảo được giao.
Nhiều cán bộ hải quân từng ở T3 với Hoàng Kiền thường nhắc lại kỷ niệm những tháng ngày cùng ông xây dựng những công trình trên nhiều đảo ở Trường Sa. Trung đoàn T3 của ông đã làm được không ít những việc mà bây giờ ngồi nhớ lại, các cựu cán bộ chiến sĩ T3 vẫn không khỏi tự hào. Những tấm bia chủ quyền tồn tại vượt thời gian, những công sự và boongke vững chãi trên nhiều đảo, nhiều nhà giàn… đều có phần công sức của Hoàng Kiền và cán bộ chiến sĩ của ông. Tôi còn được nghe anh em cho biết các hộp gỗ đựng đất màu do ông thiết kế gửi các đảo để anh em trồng rau cũng là sáng kiến từ T3 của ông. Thậm chí, chính Hoàng Kiền là người phát động chiến dịch tận dụng phân trâu bò phơi khô trộn với đất rồi gửi hàng chục tấn tới các đảo để bộ đội ta có điều kiện tăng gia cải thiện đời sống. Nhiều công trình xây dựng đảo, do sáng kiến của Hoàng Kiền, được thực hiện bởi thợ có tay nghề cao ở chính làng Bỉnh Di, Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định quê hương ông mà trong số đó có nhiều cựu thủy quân trong đơn vị cũ của Hoàng Kiền. Đến mức tết Nhâm Thìn vừa rồi, có cả vài chục thợ Bỉnh Di còn đón tết cùng bộ đội trên mấy đảo.
Những năm tháng công tác ở hải quân, Hoàng Kiền gắn liền với biển đảo Việt Nam. Dường như không có đảo nào mà ông chưa tới, từ đảo lớn đến đảo nhỏ, từ đảo nổi đến đảo chìm. Dấu chân của người chỉ huy trung đoàn T3 còn để lại ở cả những công trình thông luồng cho tàu cập đảo khó vào bằng những nghiệp vụ công binh mà giờ đây hễ nhắc tới tên ông nhiều người đều biết. Sóng gió biển khơi, những cơn bão tố đã tôi rèn ở ông một sức chịu đựng kỳ lạ và, càng đi biển, càng xây dựng, ông càng dẻo dai, như ông vẫn tự hào: “Dù biển rộng, dù đảo xa, có nơi nào mà chúng ta không tới!”
Rừng thẳm non cao nối lại gần
Đường tuần tra biên giới, con đường ghi những kỷ lục đang hình thành bởi gần 2.000 cây số trong cả tuyến dài gần 14.500 cây số theo thiết kế qua 25 tỉnh, giáp giới các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia. Sau 5 năm xây dựng theo quyết định của Chính phủ, 80 đơn vị công binh và công ty xây dựng quân đội đã vào cuộc khẩn trương để tuyến đường vượt qua rừng thẳm, núi cao, suối sâu khiến nhiều vùng biên giới giờ đây đã bớt phần cheo leo, heo hút. Bà con các dân tộc vùng cao các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… đã có “cái đường đi lại để sản xuất, chăn nuôi và mua bán nhanh hơn rồi!” Hiệu quả kinh tế - xã hội của con đường là trông thấy ngay lập tức. Trong chuyến đi cùng với Thiếu tướng Hoàng Kiền, tôi chứng kiến tận mắt nhiều sự thay da đổi thịt ở các huyện Quan Sơn, Lang Chánh (Thanh Hóa), Kỳ Sơn (Nghệ An) vốn hẻo lánh, nghèo khó trước đây. Ngay cả khi đến đỉnh dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, đỉnh Pu Vai Lai Leng (Nghệ An) cao 2.711 mét, bà con dân tộc Mông nơi đây rất quý mến cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Trường Sơn, vì anh em mang đến nơi vắng vẻ này những ánh sáng mới của đời sống đương đại mà bao người lớn tuổi chốn tự túc tự cấp thâm niên này bây giờ mới được tiếp xúc, mới cảm nhận được sự ảnh hưởng sâu sắc của sự đổi mới…
Được Bộ trưởng Quốc phòng giao nhiệm vụ làm Giám đốc Dự án Đường Tuần tra biên giới, nguyên Tư lệnh Công binh Hoàng Kiền gắn bó với con đường từ lúc công việc khảo sát, thiết kế còn ngổn ngang. Ông đã cùng các thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu trực tiếp cùng cán bộ chỉ huy các đơn vị công binh thị sát khảo sát toàn tuyến. Dấu chân của Thiếu tướng Hoàng Kiền dường như không nơi nào không có. Miệng nói, chân đi, ông trực tiếp chỉ đạo cả đến việc thảm bêtông bề mặt đường các đoạn phía Bắc, Tây Nguyên, đến mức ông còn viết cả giáo trình bêtông mặt đường tuần tra, quay phim để phổ biến cho các đơn vị trên toàn tuyến. Kinh nghiệm nhiều năm làm Tư lệnh công binh đã giúp ông hoàn thành nhiều công việc nghiệp vụ cần thiết và điều đó khiến lãnh đạo Bộ Quốc phòng tin tưởng vị tướng luôn “khó khăn nào cũng vượt qua” ấy. Càng đi cùng ông, được chứng kiến khả năng gỡ khó cho cấp dưới của ông trong thi công những đoạn đường hiểm trở, tôi càng kính trọng và nể phục Hoàng Kiền. Quả đúng là nói như lão tướng Hoàng Trung nhà Thục thời Tam Quốc, “ta già nhưng thanh đao trong tay ta chưa già” thì Tướng Hoàng Kiền, theo tôi thuộc loại “không có nơi khó khăn gian khổ nào mà lão tướng này không thể tới”, dù đó là đỉnh Pu Vai Lai Leng mùa mưa hay những con suối nước xiết ở Đắc Ca mùa lũ… chẳng nơi nào thiếu sự hiện diện của ông, dù đi xe ô tô hay có đoạn có khúc phải đi bộ leo đèo vượt thác, thậm chí tướng Kiền còn đi cả xe ôm để thị sát một tuyến đường chưa thành hình. Hình ảnh một vị tướng luôn có mặt ở mọi nơi mọi chỗ, không hề câu nệ hình thức, luôn hòa đồng với anh em dưới quyền ấy tôi có dịp chứng kiến trong một đêm đầu xuân sát biên giới nước bạn Lào khi Tướng Hoàng Kiền cùng cán bộ chiến sĩ trung đoàn công binh 249 ăn cơm tối nơi rừng sâu mà anh em quây quần bên Tư lệnh cũ của mình, hát cùng nhau những khúc ca truyền thống ngành mình đến khuya mới nghỉ. Song cũng có những lãnh đạo đơn vị làm đường tự ái bỏ cơm khi bị ông phê bình “rát rạt” bằng thơ, nhưng rồi sau đó lại “xin thủ trưởng thay mấy chữ trong bài thơ ấy cho nhẹ hơn một chút”. Âý là lúc Tướng Hoàng Kiền phát huy tác dụng của thi ca, thứ vũ khí mà ông mới sử dụng kể từ khi làm Giám đốc Ban quản lý con đường này. Và, quả nhiên tôi chứng kiến thơ ca có sức mạnh riêng giúp Lão tướng Hoàng Kiền có thêm sức mạnh vượt gian khó bằng cách say sưa sáng tác trên đường, cả khi chiếc xe ngả nghiêng trên những khúc đường rừng hung hiểm chưa hoàn thành bề mặt lúc hành quân kiểm tra nhiều tuyến. Sức mạnh nội tại của cảm xúc thơ ca giúp vị tướng quên nhiều đoạn đường xa trong bao bước quân hành gian khổ khó hình dung nơi quân ngũ thời bình.
“Lão tướng nhưng thơ thật thanh xuân!”
Trong tay tôi là tập thơ “Lửa tri âm” hơn 400 trang, bìa cứng do NXB Hội nhà văn ấn hành mà tướng Hoàng Kiền tặng. Có thể xem đây như cuốn nhật ký bằng thơ của Hoàng Kiền vì gần như nội dung gắn với tuyến đường tuần tra biên giới. Có thể thấy trong tập thơ những tâm tình của một người lính gắn bó với biển đảo, với con đường lịch sử mà tôi có dịp đi trên nhiều đoạn còn gian khó cùng ông. Gian nan nguy hiểm có thừa, nhưng ý chí của một người chỉ huy, tấm lòng của một người lính yêu tha thiết quê hương đất nước cũng là điều hiển hiện ở bất cứ trang nào trong tập sách. Từ những gian lao làm đường tuần tra biên giới: “Hôm nay vào tuyến ngập ngừng / Non cao mây phủ mịt mùng mênh mang / Vẫn còn vách đứng chắn ngang / Bỏ xe ta quyết bươn sang chẳng nề…” hoặc “Cheo leo sườn núi khoan, đào / Nổ mìn phá đá, đường vào sắp thông”… đến những cảnh quan kỳ thú hiếm gặp trong đời: “Mênh mông mây biển lưng trời ? Nhấp nhô chóp núi gió vời mê cung”… đều được đề cập trong thơ thi sĩ Hoàng Kiền. Chưa bàn nhiều về thành công nghệ thuật của thơ ông, tôi chỉ đánh giá cao về sự phổ biến và sự tán thưởng đông đảo của cán bộ chiến sĩ trên tuyến đường này mỗi khi tính nhanh nhạy thời sự của thơ Hoàng Kiền được phô tô và phổ biến tại chỗ tặng anh em trên những cung đường còn bộn bề thử thách. Âu cũng là một cách làm mới đời sống lính thời bình của Lão tướng trên mỗi khúc đường.
Cũng phải nói thêm là những gì Hoàng Kiền có được đến hôm nay, có bóng dáng của người chủ nhân hậu phương ông - bà cựu giáo chức Ngô Thị Khiếu, chủ nhân của một Khu văn hóa truyền thống với nội dung 5.000m2 trưng bày văn hóa lúa nước tại Giao Thịnh quê ông bà. Đây lại là nét đáng chú ý khác của hai vợ chồng vị tướng luôn nặng lòng với văn hóa quê hương.
Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin trích lời nhận xét của Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Tướng như Hoàng Kiền, số ấy không nhiều!” và chỉ riêng với nhận xét ấy thôi, tôi nghĩ, Hoàng Kiền đã có thể tự hào về những gì mà ông đã cống hiến cho quân đội ta và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.