Đau bụng dưới rốn là biểu hiện của rất nhiều bệnh ở một số bộ phận nằm ở khu vực này như đại tràng, manh tràng, ruột thừa, ruột non...
Theo TS Vũ Thị Lừu, Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa, Bệnh viện E, đau bụng dưới rốn là biểu hiện của rất nhiều bệnh của một số bộ phận nằm ở khu vực này như đại tràng, manh tràng, ruột thừa, ruột non, tụy, thận, bàng quang, niệu quản, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt.
Đau bụng dưới là biểu hiện của nhiều bệnh. |
TS Vũ Thị Lừu cho biết, đau bụng dưới thường gặp ở phụ nữ hơn nam và là dấu hiệu rất dễ bị bỏ qua. Đau bụng dưới có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Rối loạn tiêu hóa: Bụng dưới đau âm ỉ hay xuất hiện từng cơn, ngoài ra đau bụng còn kèm theo các triệu chứng như đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu, phân bị táo hoặc lỏng… Đặc biệt, những bệnh nhân bị táo bón, phân bị đọng trong trực tràng, gây cảm giác đau tức, thậm chí đau thắt vùng bụng dưới.
- Hội chứng ruột kích thích: Đây là một loại rối loạn tiêu hóa mãn tính và là nguyên nhân gây đau bụng liên miên, đầy bụng, tiêu chảy và táo bón.
- Viêm ruột thừa: Đau bụng âm ỉ vùng xung quanh rốn rồi dần dần chuyển sang bên phần bụng dưới bên phải (triệu chứng này gần giống đau dạ dày lên dễ làm mọi người bị lầm tưởng). Đau ruột thừa thường kèm theo sốt, nôn, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn, vùng bụng bị sung…
- Viêm bàng quang: Đau bụng dưới, kèm theo đó là đi tiểu đau buốt, đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu đục, đôi khi có đái máu.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: đau bụng dưới kèm theo nước tiểu đục và có mùi hôi, tiểu buốt rắt.
- Sỏi tiết niệu: Sỏi được hình thành một cách âm thầm và thường chỉ được phát hiện lần đầu bởi cơn đau quặn. Bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục, có thể kèm theo tiểu buốt rắt.
- Sỏi thận: Hầu hết người bị bệnh sỏi thận chỉ nhận biết qua các dấu hiệu như đau quặn dữ dội ở vùng bụng dưới hoặc qua chụp Xquang, siêu âm. Khi cử động hay thay đổi tư thế sẽ xuất hiện cơn đâu thắt ở vùng eo, có thể đi kèm rối loạn tiểu, thân nhiệt tăng, khó chịu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh và sình bụng.
Ở nữ giới, đau bụng dưới có thể là biểu hiện của một số bệnh phụ khoa nghiêm trọng:
- Đau bụng do rụng trứng: Nếu bạn có những cơn đau nhói vào thời kỳ rụng trứng của phụ nữ, điều này xảy ra ở rất nhiều người. Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.
- U nang buồng trứng : Nếu bạn bị đau bụng dưới trong nhiều ngày với những cơn đau âm ỉ hãy cảnh giác với ung thư buồng trứng.
- Viêm vòi trứng: Nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, thường có một số dấu hiệu kèm theo như đau lưng, mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ. Kinh nguyệt thường không đều và đau, sau khi có kinh, các triệu chứng lại dội lên. Những dấu hiệu trên có thể bạn vị viêm vòi chứng.
- Viêm vùng chậu: Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là bệnh viêm vùng chậu là vô sinh ở nữ giới. Bệnh có thể gây tổn thương ở tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.
- Viêm vùng tiểu khung: Bệnh nhân đau hoặc viêm vùng chậu mãn tính có dấu hiệu đau bụng dưới kéo dài đặc biệt vào những ngày bị hành kinh.
- Có thai ngoài tử cung: Trong những tháng đầu của thai kì, nếu bạn có hiện tượng đau bụng dưới thì hãy cảnh giác vì rất có thể đau bụng dưới là biểu hiện của mang thai ngoài tử cung. Khi mang thai ngoài tử cung, phôi thai nằm ngoài tử cung, vòi trứng thậm chí là ruột gây nên những cơn đau quặn thắt vùng bụng dưới.
- U xơ tử cung: U xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như đau bụng dưới, đau lưng, kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai...
- Hội chứng tiền kinh nguyệt: Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, biểu hiện đau bụng dưới có kèm theo tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết (hormone) trong một chu kỳ kinh nguyệt) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.